Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 toàn vùng Nam Bộ đạt 1,687 triệu ha, tăng 33,5 nghìn ha; năng suất ước đạt 67,25 tạ/ha, giảm 0,99 tạ/ha (do chuyển dịch cơ cấu nhóm giống lúa đặc sản tăng 11,03%); sản lượng ước đạt 11,352 triệu tấn, tăng 62,8 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2017-2018, sản lượng tăng là do diện tích tăng. Diện tích rau, màu đến tháng 8/2019, ước đạt 17.208 ha, trong đó, diện tích rau các loại lớn nhất với trên 250 ngàn ha, tiếp đến là ngô với trên 68 ngàn ha. Diện tích rải vụ cây ăn quả, đến nay 5 loại trái cây rải vụ (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích là 122,35 nghìn ha, trong đó đã rải vụ được 59,37 nghìn ha, chiếm 56% tổng diện tích thu hoạch. Tổng sản lượng rải vụ 1.086,05 tấn, chiếm 56,5% tổng sản lượng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, nhận định khả năng thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 đã được các cơ quan chuyên môn báo cáo từ rất sớm. Các cơ quan chuyên môn đã tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa lũ, hạn, mặn, để có phương án ứng phó kịp thời. Tổng cục Thủy lợi đã bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, tuần tra, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời, xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại như chuột, rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy phấn trắng trên lúa…; giám sát tốt vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khả năng hạn không chỉ vùng ven biển mà còn có thể xảy ra cục bộ trong toàn vùng, vì vậy, vấn đề chia sẻ nguồn nước cho sản xuất lúa và sinh hoạt của người dân cần được phối hợp chặt chẻ giữa các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh sản xuất lúa muốn tăng sức cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng thì còn cần phải hạ giá thành, cần có phương án chuyển sang một số loại cây trồng khác để phòng ngừa hạn chế thiệt hại do hạn, mặn, khuyến khích một số nơi sản xuất lúa bấp bênh có thể chuyển đổi sang cây trồng khác. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị kế hoạch và triển khai tốt các biện pháp chỉ đạo, tổ chức sản xuất thắng lợi. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần khẩn trương cụ thể hóa kế hoạch trồng trọt trong vụ Đông Xuân 2019-2020 gắn với phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2020, không để thiên tai gây thiệt hại đối với sản xuất và đời sống người dân.

Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham gia trưng bày, cấp phát miễn phí một số sách, sổ tay kỹ thuật và tờ rơi có nội dung: “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng ĐBSCL”; “Canh tác lúa - CAT trong điều kiện hạn-mặn”; “Hướng dẫn Phòng chống sâu keo mùa thu”; “Quy trình phòng trừ bệnh khảm sắn”; “Phòng trừ rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá”; “Giải pháp kỹ thuật giảm lượng hạt giống gieo sạ”; “Kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long”; “Hướng dẫn phòng chống sâu bệnh hại chính trên lúa”... Trung tâm cũng trưng bày các poster giới thiệu kết quả Dự án “Cơ giới hóa cánh đồng lớn” và “Hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao đổi với đại biểu về các tài liệu do TT phát hành

Nhiều đại biểu quan tâm đến sản phẩm sách, tờ rơi... do TTKNQG trưng bày

 

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia