Tham dự Diễn đàn có trên 250 đại biểu là cán bộ kỹ thuật, nông dân đến từ các tỉnh có diện tích trồng điều lớn thuộc vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí. Diễn đàn là nơi để các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về thâm canh cây điều; từ đó đưa ra các giải pháp để cải thiện năng suất, chất lượng và phát triển ngành điều bền vững.

Cây điều một trong những cây nằm trong danh sách "cây trồng tỷ đô" của nước ta. Điều thuộc nhóm cây công nghiệp có dầu sống lâu năm, có thể trồng được trên nhiều loại đất và khí hậu khác nhau và được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” cho nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Nhân hạt điều là mặt hàng xuất khẩu lớn. Từ năm 1996 đến nay Việt Nam luôn là nước đứng đầu về xuất khẩu điều nhân. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2018 toàn ngành điều đã xuất khẩu được 304.904 tấn nhân điều các loại với kim ngạch xuất khẩu 2,82 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng nhưng giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 9.239 USD/tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD.

TS Trần Văn Khởi phát biểu tại Diễn đàn

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích trồng điều cả nước có xu hướng giảm liên tục từ 440 ngàn ha (năm 2007) xuống còn 290 ngàn ha (năm 2015); năm 2017 có dấu hiệu phục hồi trở lại và đạt 297,5 ngàn ha, dự kiến năm 2018 diện tích điều đạt 302,1 ngàn ha, diện tích cho thu hoạch là 283,8 ngàn ha. Nă, 2017, năng suất điều đạt 7,5 tạ/ha. Năm 2018, năng suất điều dự kiến đạt 12,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 354,8 ngàn tấn, tăng 77,82% so với năm 2017.

Tuy nhiên nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến điều luôn thiếu hụt và phải nhập điều thô hàng năm từ các nước khác do diện tích trồng lâu năm cây già cỗi (chiếm 60%) cho năng suất thấp. Mặt khác do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh bùng phát gây hại ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt điều như bệnh thán thư, bọ xít muỗi, sâu đục thân…(niên vụ 2016-2017).

Tại Diễn đàn, những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn sản xuất của nông dân, tổ hợp tác trồng điều nêu ra đã được Ban cố vấn trả lời thỏa đáng. Trong đó nội dung các bà con quan tâm chủ yếu xoay quanh các vấn đề như nguồn gốc, chứng nhận giống; biện pháp canh tác; phòng trừ dịch bệnh; chế biến sản phẩm, chính sách hỗ trợ, vay vốn...

Toàn cảnh Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, TS Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp:

- Về khoa học công nghệ: Khuyến cáo bà con sử dụng giống mới, tăng cường áp dụng kỹ thuật thâm canh, tái canh cây điều, bảo vệ thực vật phòng chống sâu bệnh hại điều. Đặc biệt chú trọng xác định ngưỡng kinh tế của vườn điều già cỗi để thực hiện tái canh hoặc thâm canh phục hồi theo quy trình kỹ thuật cụ thể của các cơ quan chuyên ngành.

- Về tổ chức sản xuất: Đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới nhằm tạo điều kiện phổ biến tiến bộ kỹ thuật thâm canh bền vững, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với việc xây dựng thương hiệu điều, qua đó giúp hình thành những vùng nguyên liệu liên kết với doanh nghiệp sẽ cho hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội, môi trường. 

- Về chính sách: Thực thi chính sách hỗ trợ và liên kết sản xuất theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp ban hành ngày 5/7/2018.

- Đối với hệ thống khuyến nông: Đẩy mạnh công tác tư vấn kỹ thuật cho nông dân về giống mới, kỹ thuật canh tác mới, bảo vệ thực vật phòng chống dịch hại, thông tin giá cả, thị trường...; Tư vấn hỗ trợ thành lập hợp tác xã kiểu mới, câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất điều; Đề xuất các hoạt động khuyến nông phục vụ sản xuất điều bền vững như tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản trị Hợp tác xã; Trung tâm Khuyến nông Bình Phước và TTKN Lâm Đồng đề xuất dự án thâm canh điều bền vững giai đoạn 2019 - 2021.

Đại biểu tham quan mô hình trồng điều xen ca cao kết hợp tưới nước tiết kiệm tại xã Tân Lập (Đồng Phú, Bình Phước) 

Chuyên gia của Hiệp hội Điều Việt Nam giới thiệu về kỹ thuật thâm canh điều

Hoa Trà

Xem video về Diễn đàn tại đây