Tham gia đoàn có đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia… các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và cơ quan báo, đài.

Vừa qua, 2 trận mưa lũ liên tiếp đã làm 06 người bị chết, 43 người bị thương, hơn 52 nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh bị ảnh hưởng; trong đó hơn 40 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp; Sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tỉnh Hà Tĩnh ước tính hơn 5.327 tỷ đồng.

Tại Quảng Bình, mưa lũ làm 183 thôn, bản/33 xã bị cô lập, chia cắt; 25 người bị chết, 197 người bị thương; 106.220 hộ bị ngập nặng... Ước tính tổng giá trị thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh do 2 đợt mưa lũ gây ra là 3.511,6 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi là hơn 1.780 tỷ đồng.

Ảnh: Thứ trưởng phát biểu tại Quảng Bình

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các phương án, kế hoạch và huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 150 tỷ đồng để giúp người dân miền Trung, khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Đoàn đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và một số hàng hóa thiết yếu khác. Hà Tĩnh được hỗ trợ trên 17 tỷ đồng, Quảng Bình là trên 32 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, bão, lũ đi qua, công tác khắc phục và tái thiết sản xuất để ổn định đời sống của người dân là vô cùng quan trọng, đặc biệt tiêu độc khử trùng môi trường nói chung, môi trường chăn nuôi, thủy sản nói riêng nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan sau lũ; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt không để dịch tả lợn Châu Phi phát sinh lây lan. Trước mắt cần chú trọng khôi phục chăn nuôi gia cầm, sản xuất rau màu vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm nhanh phục vụ đời sống nhân dân.

Ảnh: Thứ trưởng kiểm tra công tác úm gà hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bão lũ

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Vinh cảm ơn sự quan tâm của Bộ NN&PTNT. Hà Tĩnh đang tập trung khôi phục sản xuất nhưng do ảnh hưởng của thiên tai nặng nề nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn và giống. Hiện Hà Tĩnh đang cần hơn 2.000 tấn giống để phục vụ sản xuất vụ Đông và Đông Xuân; Cần hơn 3.000 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân vùng bị ngập lụt. Đồng thời, Hà Tĩnh cũng cần đến hàng nghìn tỷ đồng để có thể sửa chửa, khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư nâng cấp một số công trình để chủ động ứng phó với mưa bão. Lãnh đạo tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Quang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cho tỉnh: Giống cây trồng: 2.000 tấn lúa, 120 tấn ngô; 200 tấn lạc, 20 tấn rau các loại; Giống vật nuôi: 700 con bò, 17.000 con lợn, 750.000 con gà, 20.000 con vịt...; Vắc xin, thức ăn, vật tư các loại...; 298,8 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê kè, nước sạch…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao các tỉnh đã hết sức quyết liệt khắc phục sau bão lũ. Bộ Nông nghiệp sẽ trình Chính phủ những đề xuất của các tỉnh, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đối với các đơn vị trong Bộ, cần tổng hợp đề xuất của các tỉnh theo lĩnh vực. Đối với TTKNQG, cần phát huy nhân rộng những mô hình đã có hiệu quả; với các mô hình mới mở, cần sát sao, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Bộ, phù hợp thực tế tại địa phương; tăng cường đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn sau bão lũ, tổ chức lại sản xuất. Bộ Nông nghiệp xác định “Ghé vai cùng gánh những khó khăn của nhân dân các tỉnh”.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia