Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp Đại sứ nước Cộng hòa Chi-lê tại Việt Nam

Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp, Đại sứ nước Cộng hòa Chi-lê cho biết Chi-lê coi trọng thúc đẩy thương mại tự do và là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về việc ký kết các thoả thuận thúc đẩy tự do thương mại cả song phương và đa phương. Chi-lê chú trọng thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam - nước có quan hệ truyền thống đặc biệt ở Đông Nam Á. Ngài Jaime Chomalí bày tỏ việc Chi-lê mong muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, trước hết là về đào tạo, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (vì Chi-lê và Việt Nam một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu trên thế giới); lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, nhất là quy trình và thủ tục cấp phép mẫu chứng thư các sản phẩm nông sản hàng hóa có nguồn gốc động thực vật nhằm thúc đẩy thương mại hàng hóa nông sản giữa hai nước. Ngài Đại sứ nhấn mạnh về chất lượng một số sản phẩm nông sản hàng hóa của Chi-lê như nho, táo tươi của Chi-lê đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Trung Đông, Châu Á và Mỹ La tinh… Chi-lê có hệ thống kiểm soát và cấp chứng nhận kiểm dịch động vật (trâu, bò, dê, cừu, lợn và gia cầm) tiến tiến. Mong muốn các sản phẩm này sớm có mặt tại Việt Nam, Ngài Jaime Chomalí đề xuất với Bộ trưởng mời đoàn kỹ thuật của Việt Nam sang Chi-lê thăm, kiểm tra thực tế điều kiện vệ sinh thú y, chuỗi sản xuất thịt và chuỗi sản xuất trái cây của Chi-lê.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự hội nhập kinh tế sâu rộng và năng động của Chi-lê (mặc dù Chi-lê là nước giàu tài nguyên khoáng sản nhưng nền kinh tế của Chi-lê không phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên). Việt Nam và Chi-lê cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đã có Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA), nên sẽ có nhiều nội dung để trao đổi hợp tác. Bộ trưởng nhất trí với đề xuất của Đại sứ về việc tăng cường hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật. Bộ trưởng gợi ý, hai Bên xem xét nghiên cứu xây dựng một số nội dung hợp tác kỹ thuật và thương mại nông sản dựa trên tiềm năng và thế mạnh và nhu cầu cụ thể của mỗi nước, như việc kết nối doanh nghiệp hai Bên kinh doanh, vận chuyển hai chiều các sản phẩm Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ Chi-lê (các sản phẩm thế mạnh của Chi-lê như bột cá, bột xương, phân kali, …), xuất khẩu nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Ngài Đại sứ Jaime Chomalí đã nhất trí sẽ thông báo và giao các cơ quan liên quan của hai Bên nghiên cứu xây dựng các đề xuất hợp tác theo các nội dung nêu trên để trao đổi, thống nhất nhằm tang cường hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

 

Chi-lê có diện tích xấp xỉ 757.000 km2; dân số: 17.789.267 người (2017); GDP (tính theo PPP năm 2017) là 451,1 tỷ USD. GDP Nông nghiệp là 4.4%, Công nghiệp 31.4%, Dịch vụ 64.3%. Mặt hàng nông sản thế mạnh của Chi-lê là: nho, đào, xuân đào, lê, mơ, mận tươi, mận khô, kiwi, lê tàu, quả mâm xôi, táo, hành, tỏi, măng tây, củ cải, cà chua, thủy sản, sản phẩm thủy sản, bột cá.

Hai Bên đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chi-lê  ký năm 2011 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo cam kết tại Điều 6, Chương 6, FTA Việt Nam - Chi-lê , hai Bên đã thành lập Tiểu ban SPS trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam - Chi-lê. Mục tiêu của Tiểu ban SPS là tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực SPS, góp phần thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước. Cho đến nay, Tiểu ban này đã nhóm họp 05 phiên (ngày 4/11/2014; ngày 8/7/2015; ngày 14-15/7/2016; ngày 15/12/2016; ngày 05/7/2018).

Về thương mại song phương: Tổng kim ngạch: Việt Nam xuất siêu sang Chi-lê với kim ngạch năm 2017 đạt 999,27 triệu USD trong khi nhập khẩu 282,90 triệu USD. Kim ngạch nông sản: Việt Nam nhập siêu từ Chi-lê. Năm 2017, Việt Nam xuất sang Chi-lê chủ yếu là sản phẩm gạo chỉ đạt giá trị 1,75 triệu USD trong khi nhập từ Chi-lê giá trị trên 153 triệu USD (66,8 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ; 53,6 triệu USD thủy sản; trên 15 triệu USD dầu mỡ động thực vật; 9,9 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu; xấp xỉ 5,0 triệu USD rau quả).