Với diện tích hơn 266.500 ha nuôi tôm, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau hàng năm khoảng 20 tỷ con tôm giống. Một trong những khâu trọng yếu để mang lại hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất đó là khâu chọn giống, con giống chất lượng cao, khỏe mạnh, sạch bệnh phục vụ cho nghề nuôi tôm, đó không chỉ là đòi hỏi từ các trại sản xuất, kinh doanh giống mà còn đòi hỏi cả sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng của tỉnh nhà. Năm 2013, Ủy ban nhân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau” tại Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của Chủ tịch UBND là hết sức cần thiết.

Qua gần 02 năm thực hiện Đề án, với niềm nhiệt huyết sản xuất con giống chất lượng, sạch bệnh phục vụ nhu cầu tôm giống tại địa phương, tạo dựng thương hiệu tôm giống Cà Mau, cơ quan chức năng đồng hành cùng các cơ sở sản xuất nổ lực phấn đấu bước đầu mang lại kết quả khả quan. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã và đang thực hiện được một số nội dung, cụ thể như sau:

Triển khai thực hiện 05 cuộc tuyên truyền văn bản QPPL trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nhằm nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau được bà con nông dân, các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Tổng số người tham dự: 250 người/05 cuộc.

†Công tác lấy mẫu tôm giống xét nghiệm định kỳ tại các trại giống, khu sản xuất giống tập trung đối chứng với chất lượng cơ sở đã đăng ký đến cuối ngày 15/9/2015 thu tổng số 720 mẫu tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Qua xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR các chỉ tiêu bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV) và bệnh còi (MBV) kết quả như sau: 466 mẫu nhiễm virut gây bệnh còi (MBV) chiếm 64,7%, 02 mẫu nhiễm virut gây bệnh đốm trắng (WSSV) chiếm 0,28%, không phát hiện mẫu nhiễm virut gây bệnh đầu vàng (YHV).

Trên kết quả đạt được năm 2014 về việc áp dụng phương án sản xuất tôm sú giống hạn chế nhiễm virut gây bệnh còi (MBV) tại huyện Năm Căn, Ngọc Hiển giảm tỷ lệ nhiễm MBV xuống còn 17-25% so với 55-64% như hiện nay. Năm 2015 tiếp tục triển khai thực hiện phương án sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) hạn chế nhiễm virut gây bệnh còi (MBV) tại các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, Năm Căn và Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, nhằm đánh giá tính ổn định, tính khả thi của quy trình đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.

Phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai thực hiện lớp tập huấn nâng cao kiến thức đánh giá tác động của môi trường ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống, khóa học gồm 11 ngày với 14 cán bộ thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau tham gia. Kết thúc khóa học các học viên được nhận Giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn về đánh giá tác môi trường ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống.

Trên đây là một số kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu Đề án đề ra trong năm 2015 một cách hiệu quả./.

Trần Ngọc Lãm 

Trung tâm KN-KN Cà Mau