Tham dự hội nghị có lãnh đạo, đại diện Cục Chăn nuôi, Tổng cục thủy lợi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường,Viện Chăn nuôi, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ; Sở NN&PTNT và Hội Nông dân các tỉnh ĐBSCL; Viện Khoa học thủy lợi Miền nam và Trường Đại Học Cần thơ.

Theo Cục Chăn nuôi, kể từ đầu năm 2016, các tỉnh ven biển ĐBSCL bị xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 40 năm qua. Bến Tre, Kiên Giang và Trà Vinh là những tỉnh bị xâm nhập mặn nặng nề hơn cả. Riêng tỉnh Bến Tre có 100% số xã (164 xã) bị nước mặn xâm nhập, độ mặn đo được từ 0,3-0,5%0. Chăn nuôi bị thiệt hại, vùng chăn nuôi bò huyện Ba Tri bị ảnh hưởng nhiều nhất, bò uống phải nước mặn đã bị tiêu chảy, nhiều hộ chăn nuôi lớn đã phải mua máy xử lý nước mặn thành nước ngọt cho gia súc uống.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh và khẳng định vai trò của ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL với nhiều lợi thế cần phát huy. Các giải pháp phát triển chăn nuôi trong điều kiện xâm nhập mặn, hạn ở các tỉnh ĐBSCL cần triển khai ngay là: Xây dựng quy hoạch chăn nuôi cho vùng ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn; Cục Chăn nuôi, Vụ Khoa học, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần điều chỉnh ngay ngân sách tập trung cho việc ứng phó với hạn, mặn trong chăn nuôi vùng ĐBSCL; Chuyển giao nhanh giống vịt biển cho 8 tỉnh giáp biển; Ngoài giống vịt biển, giống dê và thỏ cũng là hai giống vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện hạn mặn vùng ĐBSCL. Riêng chim yến và ong thì tùy từng địa phương mà qui hoạch phát triển cho phù hợp, ví dụ việc phát triển ong mật ở Cà Mau gắn với rừng tràm, ứng dụng và chuyển giao các TBKT tiết kiệm nước trong chăn nuôi như chăn nuôi trên đệm lót sinh học…

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia