Mỗi lớp tập huấn diễn ra trong 02 ngày và có 30 học viên là cán bộ khuyến nông cấp xã, cộng tác viên khuyến nông, nông dân chủ chốt, thanh niên, trưởng xóm… tham dự. Nội dung lớp học tập trung chủ yếu vào xây dựng chuồng trại sao cho đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh; cách chọn, nuôi dưỡng lợn cái giống hậu bị; phát hiện lợn nái động dục và thời gian phối giống; chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái giai đoạn trước và sau khi đẻ; chăm sóc lợn con sau sinh; phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở lợn nái…

Bên cạnh việc học lý thuyết, các học viên còn được thăm quan mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xóm Huyền Du, thị trấn Thanh Nhật và xóm Phia Đán, xã Thị Hoa, để các học viên trải nghiệm thực tế và được thực hành phối trộn thức ăn cho lợn nái sinh sản, cách tiêm sắt cho lợn con.

Thực hành phối trộn thức ăn cho lợn nái sinh sản

Với phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, giúp học viên tham dự mạnh dạn trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn nái sinh sản. Qua chia sẻ được biết, các hộ chăn nuôi đa số vẫn chưa chú trọng đến dinh dưỡng cho lợn nái sau khi đẻ và phòng trị bệnh cho lợn; một số hộ có chuồng nuôi bố trí chưa hợp lý, còn sát nhà ở, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Kết thúc khóa tập huấn, 100% học viên đánh giá nội dung lớp tập huấn phù hợp với nhu cầu, nội dung bài giảng phong phú, giảng viên nhiệt tình trao đổi, truyền đạt kiến thức hấp dẫn, lôi cuốn, dễ hiểu và mong muốn có nhiều lớp tập huấn hơn nữa để học viên nâng cao kiến thức, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tại địa phương phát triển chăn nuôi lợn nái bền vững và có hiệu quả.

Phùng Hồng Lan

Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng