Tất cả đội ngũ này hoạt động với mục đích đưa ngành nông nghiệp của tỉnh nhà ngày một phát triển, nâng cao đời sống của người nông dân, đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa,... thông qua các công việc cụ thể sau:

Thông qua công tác đào tạo tập huấn, hội thảo, thông tin tuyên truyền

Công tác tập huấn, hội thảo luôn được tiến hành kịp thời nhằm chuyển giao, hướng dẫn các kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Với các lớp tập huấn đã thực hiện, Trung tâm chú trọng công tác tập huấn ngoài hiện trường (FFS). Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các kỹ thuật thực tế tại đồng ruộng cho người dân. Thông qua các lớp tập huấn, người dân có cơ hội được giao lưu học hỏi, tiếp thu các kiến thức kỹ thuật mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Các lớp tập huấn luôn chú trọng đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Qua tham dự những lớp tập huấn, đã có rất nhiều hộ nông dân áp dụng thành công kỹ thuật được đào tạo vào sản xuất của hộ gia đình, thu được hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2017 với nguồn kinh phí được giao, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức hơn 300 lớp tập huấn để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất đến với người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số người dân được tham gia tập huấn 10.834 người, trong đó: đối tượng nữ là 4.409 người chiếm 41%, người dân tộc thiểu số là 4.239 người, chiếm 39%.

Để nhân rộng quy mô của các mô hình khuyến nông đã thực hiện có hiệu quả trong sản xuất, hàng năm Trung tâm thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo tổng kết mô hình để tuyên truyền, trình diễn cho người nông dân thấy được tận mắt kết quả triển khai các mô hình trình diễn. Trong năm 2017, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức 19 cuộc hội thảo, đến thời điểm này đã tổ chức được 11 cuộc, đạt 58% kế hoạch. Tổng số nông dân tham gia hội thảo là 260 người, trong đó: nữ là 117 người, dân tộc thiểu số là 144 người.

Trong năm 2017, Trung tâm có kế hoạch xuất bản 4 số tập san khuyến nông. Đã xuất bản 3 số với tổng số lượng đã in ấn 3.000 quyển bao gồm nhiều bài viết sinh động, phản ánh công tác khuyến nông tỉnh nhà và phổ biến nhiều các văn bản mới của Nhà nước về công tác khuyến nông, nông nghiệp, nông thôn, các tiến bộ kỹ thuật mới, các gương nông dân sản xuất điển hình của tỉnh nhà. Ngoài ra Trung tâm được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ xuất bản và cấp phát 2.140 cuốn Nông lịch Đăk Nông năm 2018 để phục vụ tốt công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiến hành in ấn và cấp phát 9 loại tài liệu bướm kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn. Tổng số lượng in ấn là 43.000 tờ, số tài liệu kỹ thuật trên dùng để phục vụ công tác chuyên môn của Trung tâm và cấp phát cho các đơn vị, địa phương, người dân có nhu cầu tham khảo về sản xuất nông nghiệp, để phục vụ tốt công tác sản xuất nông nghiệp tại tỉnh nhà.

Thông qua công tác xây dựng mô hình trình diễn

Công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân trên địa bàn toàn tỉnh luôn được Trung tâm coi trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác khuyến nông hàng năm. Trong năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với hệ thống khuyến nông các huyện, thị xã đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn như:

- Mô hình trồng thâm canh lúa thuần Đài thơm 8, với quy mô 12 ha tại 6/8 huyện, thị xã, có 51 hộ dân tham gia. Đến nay mô hình lúa tại các huyện đã cho thu hoạch, năng xuất đạt từ 6,0 – 7,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân tại các huyện thu được từ 20.000.000 -30.000.000 đồng/ha. Qua các cuộc hội thảo, đánh giá giống lúa thuần Đài thơm 8 là giống lúa có chất lượng gạo thơm, dẻo, ngon được thị trường ưa chuộng, người dân tại các địa phương rất mong muốn được nhân rộng mô hình để sản xuất lúa cho các vụ tiếp theo.

Hội thảo mô hình sản xuất lúa thuần Đài Thơm 8 tại xã Đăk DRông, huyện Cư Jut

- Mô hình trồng chuối già lùn Nam Mỹ quy mô 01 ha triển khai tại 2 huyện Tuy Đức, Đắk Rlấp, có 6 hộ dân tham gia. Qua quá trình triển khai mô hình cho thấy, cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, chiều cao cây đạt từ 2-3m, cây đã ra được từ 15-18 lá, đường kính gốc từ 18-25 cm.

- Mô hình nuôi gà thả vườn lông màu được triển khai tại 7/8 huyện, thị xã, với qui mô 4.900 con, có 53 hộ tham gia. Qua quá trình nuôi và chăm sóc, đàn gà khỏe mạnh, sử dụng thức ăn tốt, tỷ lệ sống đạt 96-98%. Hiện nay đã có 6/7 huyện, thị xã tổ chức hội thảo, đánh giá mô hình. Sau 03 tháng nuôi, trọng lượng gà trung bình đạt 1,7 – 2 kg/con. Với giá bán 70.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt từ 16.000 – 24.000 đồng/con.

- Mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây hồ tiêu triển khai tại 03 huyện (Đắk Mil, Cư Jut và Đắk Glong), với qui mô 06 ha, 12 hộ hộ tham gia. Qua quá trình vận hành tại hiện trường cho thấy mô hình rất phù hợp với điều kiện tại vùng Tây Nguyên, tiết kiệm được 90% công lao động, 25-30% lượng nước tưới, 30% lượng phân bón, chi phí đầu tư trung bình giảm 17 triệu đồng/ha, tăng 15% lợi nhuận so với áp dụng biện pháp tưới thông thường.

Thông qua công tác xây dựng các mô hình trình diễn, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn, tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến với người dân tại các địa phương, giúp người dân biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế tại nông hộ. Các hộ dân đã có ý thức trong vấn đề ghi chép sổ sách, để hoạch toán kinh tế hộ, từ đó có thể tính toán chính xác hiệu quả kinh tế do mình làm ra, qua đó nâng cao năng lực quản lý của người dân. Khi người dân đã nâng cao được năng lực quản lý, họ sẽ chủ động được nguồn vốn, nhân lực.. để phục vụ sản xuất của hộ gia đình.

Thông qua chương trình hợp tác về phát triển cà phê bền vững

Chương trình hợp tác công tư là chương trình liên kết giữa 4 nhà, qua đó, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, nhận thức xã hội, tạo mối liên kết giữa người nông dân, các nhóm, các nhà đầu tư, kinh doanh và cộng đồng, gắn kết trong mối quan hệ hữu cơ về mặt lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ để cùng đồng hành tồn tại, phát triển.

Nhìn chung, chương trình đã bước đầu xây dựng được mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư theo hình thức mua chung, bán chung; tăng độ đồng đều vườn cây, duy trì cân bằng dinh dưỡng cho đất và cây trồng, sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc BVTV, nguyên nhiên, vật liệu hợp lý, hiệu quả; tiết kiệm chi phí, duy trì năng suất ổn định (vườn mẫu cho năng suất cao hơn 10% so với vườn đối chứng).

Có thể nói công tác phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến lâm đã có tác động tích cực đến người nông dân trong vấn đề quản lý và sản xuất nông nghiệp tại nông hộ, giúp người dân nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông