Học viên lớp tập huấn được cung cấp, cập nhật những thông tin về tình hình sản xuất ca cao trong nước và trên thế giới. Giảng viên cũng giới thiệu về một số giống ca cao; những kỹ thuật canh tác ca cao cơ bản; một số mô hình canh tác ca cao hiệu quả tại Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk...; vấn đề chế biến, tiêu thụ hạt ca cao và các sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp.

Được biết, hiện thế giới có khoảng hơn 10,2 triệu ha trồng ca cao tập trung ở các nước Châu Phi, Nam Mỹ với sản lượng khoảng gần 4,6 triệu tấn hạt. Trong đó Việt Nam có khoảng hơn 5,8 nghìn ha với 5,7 nghìn tấn (2019). Với một tỷ lệ rất khiêm tốn về sản lượng so với thế giới, tiềm năng phát triển ngành hàng này được nhận định rất có triển vọng. Hơn nữa, về chất lượng, hạt cao Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có hương vị thơm ngon, nổi tiếng thế giới.

Tại Việt Nam, diện tích ca cao tập trung chủ yếu tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Riêng tại tỉnh Đắk Nông có khoảng hơn 500 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Đắk Mil (Công ty Đức Lập diện tích tập trung gần 170 ha), các huyện Krông Nô, Cư Jut, Đak Gềnh, ĐakSong… Cây ca cao được trồng xen với cây điều, cao su. Trong những mô hình trồng xen cây ca cao dưới tán điều hơn 10 năm tuổi với các giống TD3, TD9, năng suất ca cao có thể đạt từ 2,5 - 3,0 tấn/ha. Với điều kiện giá thu mua hạt khô trung bình 60.000 – 65.000 đồng/kg (nếu theo tiêu chuẩn đặt hàng có thể đạt 70.000 - 80.000 đồng/kg) như hiện tại thì cây ca cao là cây trồng cho hiệu quả cao, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm bớt khó khăn khi giá sản phẩm những cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, cây bơ đang tiếp tục giảm sâu.

Đặng Bá Đàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia