Toàn cảnh hội nghị

Trên thế giới, Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 1921 - 1995, có hàng chục quốc gia có bệnh DTLCP và theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia. Đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh DTLCP. Các nước đã phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn và phải chi hàng chục tỷ đô la Mỹ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại Việt Nam, Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) lần đầu tiên được phát hiện tại các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình vào ngày 19 tháng 2 năm 2019. Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Ngay khi DTLCP xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể và sát sao. Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tin truyền thông đã vào cuộc trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, phòng chống dịch bệnh.

Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Tỉnh Thừa Thiên Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.  

Tại Hội nghị, 5 tỉnh/thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đã nêu kiến nghị tập trung vào các nội dung: Tiếp tục duy trì chỉ đạo quyệt liệt công tác phòng, chống dịch trên cả nước và trong từng tỉnh; Đề nghị trung ương cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời để chi trả cho người chăn nuôi và lực lượng phòng, chống dịch, đồng thời, nâng mức bồi dưỡng cho lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch; Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chăn nuôi khi bị thiệt hại do DTLCP; Hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các trang trại, gia trại trong thời gian tới; Thời gian tới, khả năng sẽ xảy ra thiếu hụt sản phẩm thịt lợn, vì vậy cần chuyển sang chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ để bổ sung.

Ý kiến của công ty Masan và công ty Greenfeed cho rằng: Quy định giết mổ và phân phối tại vùng không khả thi với chăn nuôi quy mô lớn. Trong khi sử dụng thịt lợn đã trở thành thói quen của người Việt Nam, điều này dễ dẫn tới nguy cơ, người tiêu dùng sử dụng thịt lợn không kiểm soát. Vì vậy các doanh nghiệp đều mong muốn sản phẩm thịt lợn tiếp tục được lưu thông chỉ cần đảm bảo điều kiện an toàn từ nguyên liệu đầu vào, đảm bảo trong quá trình lưu thông và đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Tập trung kiểm soát các cơ sở giết mổ và công khai trực tuyến các cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trong lịch sử ngành chăn nuôi chưa từng xảy ra dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, khó đối phó và tốn kém trong phòng chống như Bệnh DTLCP; Trong thời gian tới sẽ chưa có vắc xin, thuốc chữa. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống nhưng dịch vẫn xảy ra trên diện rộng. Vì vậy, nếu không làm tốt, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh theo ba hướng: các địa phương đã xuất hiện dịch rồi thì sẽ xuất hiện lại, những nơi chưa có dịch sẽ xảy ra dịch, lây lan sang các hộ, các cơ sở chăn nuôi lớn. Bộ đề nghị:

Bệnh DTLCP lây lan sẽ gây thiệt hại về nhiều mặt, không chỉ ảnh hưởng tới một ngành hàng mà còn ảnh hưởng tới chỉ số CPI, liên quan tới vấn đề môi trường, sinh kế của bà con nông dân, vì vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Toàn bộ kiến nghị của các đại biểu xuất phát từ thực tiễn phòng, chống dịch nên thời gian tới cần có những ý kiến chỉ đạo phù hợp với tình hình mới.

Đối với cơ chế tài chính: Cần có nguồn lực tương ứng, cơ chế tài chính phù hợp; Có chính sách thu mua thịt an toàn, dự trữ thực phẩm giảm nguy cơ rủi ro, giảm bất ổn thị trường.

Đối với công tác chỉ đạo: Với quan điểm “loại bệnh đặc biệt phải ứng phó đặc biệt” nên các cấp, các ngành, các địa phương cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Từng địa phương phải có giải pháp ứng phó dịch theo các cấp độ, có phương án giải quyết lợn bệnh với sự vào cuộc của các lực lượng vũ trang. Bộ Khoa học công nghệ cần đẩy nhanh hơn nữa công tác nghiên cứu vắc xin phòng, trị bệnh.

Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt và bám sát thực tiễn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Do đây là dịch bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nên từ khi dịch bệnh xuất hiện, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt với sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, bước đầu đã hạn chế tình trạng lây lan mạnh, hạn chế thiệt hại do dịch gây ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng chưa được kiểm soát có hiệu quả, khả năng lây lan cao, khả năng tái phát dịch chưa được kiểm soát; Bên cạnh nhiều địa phương tích cực, ứng phó kiểm soát dịch vẫn còn những địa phương còn chưa quyết liệt, chưa chủ động, coi nhẹ dịch bệnh, giao phó cho cơ quan thú y; Việc vứt xác lợn tràn lan còn xảy ra, các địa phương cần kiểm tra, giải quyết, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan; Nhiều nơi chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; Các biện pháp phòng chống dịch chưa hiệu quả; Bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch chưa kịp thời, phù hợp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận Hội nghị

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân tập trung nhiều hơn, quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch, dập dịch đạt kết quả cao. Xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị địa phương. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng, chống DTLCP;

Đề nghị các bộ, ngành, Ban chỉ đạo Quốc gia cần thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP;

Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tham mưu với Chính phủ ban hành quyết định mới phù hợp với tình hình thực tế, vừa đáp ứng công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế; Ban hành văn bản chỉ đạo giết mổ lợn trong vùng dịch đảm bảo sản phẩm đầu vào sạch, vận chuyển sạch, sản phẩm đầu ra sạch; Hướng dẫn các địa phương thành lập Trạm Kiểm dịch quốc gia; Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng.

Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp trong công tác thu mua, giết mổ lợn, cấp trữ đông để đảm bảo nguồn thực phẩm trong thời gian tới, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Đối với các địa phương: Giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động phòng chống dịch, huy động sự vào cuộc của các lực lượng vũ trang nhân dân; Tiếp tục duy trì và củng cố lực lượng thú y các cấp; Chỉ đạo hỗ trợ cụ thể đối với người dân; Áp dụng nghiêm các biện pháp vệ sinh an toàn sinh học; Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch; Chủ động hướng dẫn người dân và doanh nghiệp phát triển sản phẩm chăn nuôi phù hợp.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống DTLCP.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền: Cần bám sát, đồng hành cùng hệ thống chính trị và người dân với phương châm chống dịch kết hợp với bảo vệ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia