Hiện nay, hồ tiêu là 1 trong 7 ngành hàng xuất khẩu nông sản Việt Nam, đã có mặt ở trên 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, diện tích hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng gần 26% diện tích thế giới, năng suất gấp 2,6 lần, sản lượng chiếm xấp xỉ 42% sản lượng hồ tiêu thế giới, trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới. Toàn quốc hiện có gần 127 ngàn ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng đạt hơn 193.000 tấn. Năng suất trung bình cả nước hiện đạt 2,4 tấn/ha (cao hơn năng suất hồ tiêu của thế giới 2,6 lần).

Tuy nhiên, sản xuất hồ tiêu chưa bền vững do diện tích trồng ở nhiều vùng tăng nhanh đã phá vỡ quy hoạch dẫn đến hệ lụy nhiều nơi trồng tiêu ở vùng đất không phù hợp, thâm canh quá cao để tăng năng suất, chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu chọn tạo giống mới bắt đầu, phòng trừ sâu bệnh hại và sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện, tổ chức, sơ chế và chế biến sâu còn hạn chế, sử dụng phân bón hữu cơ còn thấp, lượng phân bón vô cơ sử dụng chưa hợp lý. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh phát sinh gây hại nặng, làm giảm năng suất, thậm chí gây chết nhiều diện tích tiêu ở hầu hết các vùng trồng tiêu chính trên cả nước.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng sản xuất hồ tiêu an toàn còn hạn chế, chưa có thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính vì thế, dù sản lượng hồ tiêu hàng năm chiếm đến 60% sản lượng thế giới nhưng vẫn chưa làm chủ được thị trường, giá cả.

Từ thực tế sản xuất cho thấy cần phải có phương pháp tiếp cận, tổ chức liên kết sản xuất để nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật. Kết quả khảo sát tại 7 tỉnh trồng hồ tiêu cho thấy diện tích liên kết sản xuất hồ tiêu chỉ đạt xấp xỉ 2.700 ha (tương đương 3,5% diện tích trồng tiêu các các tỉnh này). Liên kết được xây dựng chủ yếu thông qua chương trình, dự án, một số ít thông qua doanh nghiệp như ở Đắk Nông, Đắk Lắk, Phú Yên.

Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến của người nông dân trồng tiêu cho rằng việc liên kết sản xuất hiện nay còn nhiều khó khăn, như năng lực người quản trị hợp tác xã còn hạn chế, nguồn vốn vay không minh bạch, vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên thị trường còn hạn chế, tình trạng sản phẩm sơ chế của các doanh nghiệp không đảm bảo độ ẩm nên ảnh hưởng đến chất lượng, gây khó khăn cho người trồng tiêu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: Tình hình sản xuất hồ tiêu hiện nay phát sinh sâu bệnh nhiều, dẫn đến sức đề kháng của cây trồng rất yếu, hiện đang nghiên cứu để điều chỉnh quy trình sản xuất nhằm hướng dẫn nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Mặt khác, chất lượng môi trường đất giảm do độ pH giảm (pH = 4) nên khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây kém, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Vì vậy, cần phải có biện pháp phòng và trị bệnh phù hợp. Cần tiếp tục cải thiện năng lực cho người nông dân qua thông tin tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thông qua hệ thống khuyến nông các tỉnh, chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật để giữ được lực lượng sản xuất. Về liên kết sản xuất, thực tế đã xây dựng nhưng chưa theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp cần phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, chú ý khâu sơ chế, chế biến để có chất lượng tiêu đồng đều, đảm bảo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đã nhận định liên kết sản xuất là hướng đi tất yếu, các địa phương đã chủ động, doanh nghiệp đã vào cuộc nhưng số diện tích liên kết ở mức rất ít. Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, xứng đáng là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới, cần phải:

Không mở rộng diện tích trồng mới, rà soát lại những vùng trồng đã và đang bị bệnh, những diện tích không khôi phục được, sản xuất không phù hợp để chuyển đổi sang cây trồng khác. Đồng thời, quản lý tốt diện tích trồng tiêu đang phát triển, áp dụng gói kỹ thuật, canh tác bền vững.

Cục Bảo vệ thực vật cần siết lại vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Tiếp tục chỉ đạo hệ thống để hướng dẫn phòng trừ, trị bệnh cây hồ tiêu, cấp mã vùng trồng hồ tiêu để tạo động lực sản xuất cho địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Các chi cục bảo vệ thực vật thông báo và lựa chọn những sản phẩm an toàn cho người sản xuất, khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

Cục Trồng trọt khẩn trương rà soát quy hoạch và đưa ra vùng trồng phù hợp.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện nghiên cứu, tích hợp nhanh các tiến bộ về giống, canh tác, bảo vệ thực vật để hướng dẫn nông dân áp dụng hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả, tích cực truyền thông trên truyền hình nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất, phòng trừ sâu bệnh.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cần gắn hơn với doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết doanh nghiệp – địa phương - nông dân, đặc biệt là liên kết giữa các doanh nghiệp để dẫn dắt và điều tiết thị trường.

Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ luôn đồng hành với các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân để thực hiện tốt vấn đề này.

Trong dịp này, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, một số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu đã kí kết hợp tác tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững.

Các đơn vị kí kết hợp tác tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững

Nguyệt Thư