Mô hình chăn nuôi gà ta thả vườn đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước. Chăn nuôi gà ta thả vườn không khó nhưng để nuôi thành công mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu đòi hỏi người chăn nuôi phải tìm hiểu học hỏi kỹ thuật, thường xuyên tham khảo báo đài, kinh nghiệm người đi trước áp dụng vào thực tế chăn nuôi hộ gia đình.

Khi thả gà dưới tán cây và để gà tự do ăn ở, đi lại, cách chăn thả này có ưu điểm tận dụng phân, chất thải bón trực tiếp cho cây cối, tập tính bới đất tìm kiếm sâu bọ phần nào giúp xới xáo lớp đất bề mặt nên tốt cho cây. Nhưng, đối nghịch với cái lợi cho cây phương thức chăn nuôi trên rất có hại cho đàn gà. Đó chính là con dao hai lưỡi, “lợi bất cập hại” bởi chất thải của gà khi thẩm thấu xuống đất, cùng với độ ẩm dưới tán cây sẽ là nơi khu trú lý tưởng cho các loại vi khuẩn, vi rút, và các mầm bệnh khác phát triển.

Lớp tập huấn thực hành kỹ thuật thiết kế nền đệm lót sinh học

Lớp tập huấn diễn ra trong 03 ngày. 2,5 ngày trên lớp, học viên được giảng viên hướng dẫn lý thuyết và thực hành một số kỹ thuật như: Giới thiệu một số giống gà, kỹ thuật lựa chọn và vận chuyển con giống; Kỹ thuật xây dựng thiết kế chuồng trại trên nền đệm lót sinh học; Kỹ thuật nuôi trùn quế làm thức ăn bổ sung cho gà; Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị một số bệnh thường gặp trên gà; Kỹ thuật mổ khám kiểm tra bệnh tích… Nửa ngày còn lại học viên tham quan tại trang trại chăn nuôi gà của ông Đinh Văn Thọ, địa chỉ: Đội 4B, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Đây là hộ chăn nuôi dày dặn kinh nghiệm với quy mô nuôi hơn 4000 gà hướng thịt, hướng trứng. Chủ trang trại là người nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã giới thiệu, cập nhật mới cho học viên những phương thức nuôi gà thả vườn mới có áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi có thể khắc phục những hạn chế về dịch bệnh.

Giảng viên lớp tập huấn là những người có trình độ chuyên môn, có nghiệp vụ Khuyến nông, có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng, triển khai mô hình vào thực tiễn sản xuất, đã kết hợp tốt nội dung lý thuyết với thực hành giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ nội dung bài giảng và được học viên đánh giá cao về chuyên môn.

Kết thúc khóa tập huấn hầu hết các học viên đã nắm được nội dung bài giảng và đánh giá cao về tính phù hợp của khóa tập huấn. Lớp học đã giúp họ trang bị thêm những kiến thức bổ ích, thực tế, nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ công tác Khuyến nông tại cơ sở.

Phan Xuân

Trung tâm Khuyến nông Điện Biên