Diễn đàn nhằm thúc đẩy phát triển cây lâm sản ngoài gỗ (LSNG) hiệu quả, bền vững. Tạo cơ hội giúp các đại biểu cùng bà con nông dân giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời, chia sẻ những thông tin, kiến thức và những kinh nghiệm quý báu của “bốn nhà”: Nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để bàn giải pháp đưa cây LSNG thực sự trở thành nguồn sinh kế chủ yếu của các hộ gia đình sống trong và gần rừng giúp người làm nghề rừng sống và làm giàu từ nghề rừng một cách bền vững.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm tham gia của hơn 50 nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành đến từ Tổng Cục Lâm nghiệp, các viện nghiên cứu khoa học, các trung tâm, trường đại học nông lâm nghiệp và gần 250 đại biểu, nông dân trồng rừng của các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.

Báo cáo tham luận tại diễn đàn, đánh giá tiềm năng kinh tế của LSNG, PGS.TS Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Ở Đông Nam Á có 30 triệu người sống chủ yếu dựa vào các sản phẩm ngoài gỗ, tạo giá trị 3 tỷ đô la/năm từ các đồ gia dụng làm từ song mây. Hiện có hơn 150 sản phẩm LSNG được xuất khẩu ra thị trường thế giới gồm mây, tre, mật ong, động, thực vật... Đối với nhiều nông dân vùng núi thì LSNG thực sự là nguồn thu chính. Nếu tiếp tục bỏ ngỏ tài nguyên LSNG không được quan tâm bảo tồn và phát triển thì rừng ngày càng cạn kiệt. Theo ông Hoàng Công Đãng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh: Do áp lực về cuộc sống mưu sinh đã làm cho nguồn lợi LSNG ngày càng bị khai thác triệt để, trong khi người dân sống gần rừng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nên điều kiện chăm sóc phát triển LSNG hạn chế.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Từ lâu, tài nguyên LSNG đa dạng và nhiều tiềm năng ở nước ta đã gắn liền với cuộc sống của người dân và có ý nghĩa về kinh tế hộ gia đình rất lớn, đặc biệt là đối với đồng bào miền núi và dân tộc ít người. Đây là nguồn cung cấp các sản phẩm hàng ngày cho cộng đồng dân cư sống gần rừng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn. Đó là các loài LSNG làm thức ăn vừa là những sản phẩm để phục vụ cho đời sống hàng ngày và là hàng hóa thương mại. Các loài dược liệu được dùng để chữa bệnh và chế biến các vị thuốc đóng vai trò rất quan trọng với nhân dân vùng cao, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn cả về chăm sóc y tế, nguồn thuốc và phương tiện đi lại. Tuy nhiên, do việc khai thác LSNG của người dân không đúng kỹ thuật, cây thu hái rồi không chăm sóc, nên phần lớn cây không có khả năng tái sinh.

Tại diễn đàn, 60 câu hỏi, ý kiến xoay quanh các vấn đề về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, kỹ thuật gây trồng và chăm sóc, địa điểm mua cây giống, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật phòng trị sâu bệnh hại cho 1 số loài cây trồng phổ biến... đã được các nhà khoa học, quản lý tư vấn, giải đáp kịp thời.

Nông dân đặt câu hỏi tại Diễn đàn.

Kết thúc diễn đàn, qua những ý kiến của các nhà nghiên cứu đầu ngành về LSNG cho thấy, để chiến lược trồng và bảo tồn rừng đạt hiệu quả cao, đặc biệt với LSNG, đồng thời bảo đảm sự phát triển ổn định kinh tế của mỗi địa phương có diện tích rừng, chấm dứt tình trạng "được mùa, mất giá", tồn đọng sản phẩm, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách đối với trồng rừng nói chung và bảo tồn phát triển LSNG nói riêng, để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Nông dân miền núi, ven biển đã được giao đất, giao rừng để trồng cây, lập vườn rừng, được chọn những loài LSNG có giá trị thích hợp thì cũng cần có cơ chế khuyến khích như thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng nhằm phát triển LSNG... góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế chung của cả xã hội, thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển LSNG.

Trong khuôn khổ diễn đàn, 7/11/2014 các đại biểu đã tham quan 02 mô hình gồm: Mô hình trồng Nấm Linh Chi làm dược liệu được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm, và mô hình trồng Hoàng Đằng làm nguyên liệu chế biến thuốc tại thôn Đèo Dọc, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng nấm Linh Chi làm dược liệu 

tại thôn Đèo Dọc, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng Hoàng Đằng làm nguyên liệu chế biến thuốc 

tại thôn Đèo Dọc, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

    
Theo Quyết định về việc phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2006- 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, mục tiêu đến năm 2020, lâm sản ngoài gỗ trở thành một phân ngành sản xuất trong lâm nghiệp, đạt được một số chỉ tiêu: giá trị sản xuất lâm sản ngoài gỗ chiếm trên 20% giá trị sản xuất lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 10-15% và đến năm 2020 đạt 700-800 triệu USD/năm, bằng 30-40% giá trị xuất khẩu gỗ; thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ chiếm 15- 20% trong kinh tế hộ gia đình nông thôn và miền núi.
  

    Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia