Ông Lê Văn Nưng - PCT UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Diễn đàn.
 
Đây là Diễn đàn cuối cùng trong chuỗi 22 diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp năm nay của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) bàn về các chủ đề mang tính cấp thiết và thực tế hiện nay của nền nông nghiệp nước ta trong năm qua.

Diễn đàn đã thu hút gần 300 đại biểu đến dự là lãnh đạo một số cục, vụ, viện, trường đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các nhà khoa học, các Sở, ngành, 

doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân 18 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

TS. Phan Huy Thông - GĐ Trung tâm KNQG phát biểu tại Diễn đàn.

Trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại máy móc, thiết bị đã được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp ở các khâu sản xuất của các vùng và các loại cây trồng cũng khác nhau, những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa thường có tỷ lệ cơ giới hóa cao hơn như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên…

Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng đến nay việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước nói chung vẫn còn hạn chế. Do khâu cơ giới hóa còn thấp nên tổn thất và chi phí sau thu hoạch còn cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý, thị trường nông sản đặc biệt vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL chủ yếu là thị trường gạo cấp thấp và thiếu tính ổn định, đời sống của nông dân trồng lúa chưa được cải thiện. Theo thống kê của Bộ nông nghiệp và PTNT, hiện tại thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch là gần 3,2 triệu tấn lúa/năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Những bất cập nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy cơ giới hóa cây trồng ở nước ta hiện nay còn vướng mắc ở hai vấn đề chủ yếu đó là: ruộng đất manh mún và nông dân còn nghèo. Thực tế cho thấy, “giải bài toán cơ giới hóa" cho nông nghiệp không phải là việc làm trong “một sớm một chiều” mà đòi hỏi phải có thời gian. Bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến vốn, nhân lực và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ mà còn cả điều kiện về hệ thống hạ tầng… Để góp phần giải quyết “bài toán cơ giới hóa” nói trên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”, là nơi để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng bà con nông dân giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc triển khai, áp dụng ngày càng sâu rộng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân thảo luận, đặt câu hỏi cho Ban cố vấn Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe một số báo cáo như: Ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) nói chung và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT); Thực trạng và giải pháp CGH trong SXNN vùng ĐBSCL; Giới thiệu một số sáng chế, máy móc cải tiến, tự động hóa, đồng bộ CGH máy liên hợp phục vụ trồng bắp, đậu, mè.. trên đất trồng lúa vùng ĐBSCL; Phát triển ngành cơ khí  để chủ động CGH SXNN, hiện đại hóa công nghiệp chế biến, tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa…

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm KNQG nhấn mạnh: Nền nông nghiệp nước ta hiện nay với thực trạng cơ cấu canh tác, cây trồng vật nuôi đa dạng, mùa vụ đan xen, đất đai manh mún nhỏ lẻ, địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế của người nông dân còn thấp. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề về CGH trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta cần có một số giải pháp, định hướng sau:

1. Về chính sách: Chính sách hỗ trợ về nghiên cứu, sản xuất, chế tạo và áp dụng CGH còn thiếu đồng bộ và tính khả thi chưa cao, hiện nay mới chỉ theo hình thức tự phát. Vì vậy, cần ban hành các chính sách về hỗ trợ người dân vay vốn, tham gia nghiên cứu, phát minh, sản xuất máy CGH. Cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị, tổ chức và cá nhân có những sáng kiến chế tạo, phát minh nhiều sản phẩm máy phục vụ CGH nông nghiệp nông thôn, gắn với mục tiêu cụ thể, phát triển theo đúng đinh hướng ngành trong giai đoạn tới.

2. Về quy hoạch: Cần có quy hoạch tổng thể vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, nghiên cứu các loại giống cây trồng phù hợp tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chế tạo và áp dụng CGH đồng bộ vào sản xuất.

3. Về đào tạo, tập huấn: Khuyến khích và tạo điều kiện thu hút nông dân tham gia đào tạo chính quy, chuyên sâu về lĩnh vực CGH. Bên cạnh đó cũng cần chú ý công tác chuyển đổi lực lượng lao động phù hợp, đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng…đáp ứng nhu cầu hiện nay và lâu dài.

TS. Phan Huy Thông, cùng các đại biểu tham quan sản phẩm máy sấy lúa trưng bày tại Diễn đàn.

Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia