Tham dự và chủ trì Diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng. Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương, Hội Nông dân các cấp, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Mục đích của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII là tiếp tục nhìn nhận, đánh giá những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của nông dân trên con đường xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp gắn với phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại.

Các đại biểu tham dự diễn đàn cùng đi tìm câu trả lời những câu hỏi: thế nào là người nông dân chuyên nghiệp; người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp? Những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản... Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

Nông dân Hoàng Thị Chắp, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi trao đổi với các đại biểu tại diễn đàn

 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh: Cách đặt vấn đề và chọn chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" tại Diễn đàn lần này rất kịp thời và trúng vấn đề nhằm cụ thể hóa việc thực hiện và đưa Nghị quyết 19 vào cuộc sống.

Nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng, văn minh hiện đại, tính đến nay đã có tới gần 65% số xã cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới, nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện đang bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với năm 2010.

Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng, hằng năm cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều...

Phó chủ tịch nước đã trao đổi, gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận về chủ đề của Diễn đàn; yêu cầu, mục đích của Diễn đàn hướng tới; làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”; khái niệm tri thức hóa nông dân và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp. Đề nghị nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý hãy thẳng thắn đặt vấn đề và bàn giải pháp tháo gỡ những bất cập đang tồn tại; đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn.

 Phát biểu tại Phiên thảo luận đối thoại về tri thức hóa nông dân: Nhìn từ thực tiễn và giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, chúng ta có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hoá, chuyên nghiệp lên. Chúng ta sinh ra từ bờ tre gốc rạ, sinh ra từ nông thôn nên phải hiểu rằng người nông dân còn rất nhiều việc phải làm hàng ngày. Từ những bước đi đầu tiên, việc làm nhỏ, sẽ giúp nông dân dần dần tiếp cận số hoá, công nghiệp 4.0. Tri thức hoá người nông dân chính là phải sẵn lòng chuyên nghiệp hoá chính mình.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Nội dung các tham luận và các vấn đề thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn đã góp phần phác họa bức tranh toàn cảnh, làm rõ hơn vai trò của nông dân, đặc biệt là người nông dân chuyên nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong tình hình mới; đã nêu lên được các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng được người nông dân chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn một nền kinh tế năng động, hội nhập, một hình ảnh Việt Nam năng động, trách nhiệm ngày càng có vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế.

Thanh Thúy