Phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản là chủ trương xuyên suốt của nước ta. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tiếp sau đó, đến năm 2013 là Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, (thay thế Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg).

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ, đến nay, cả nước đã có 35/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách liên kết (trong đó, có 33 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh); 24 tỉnh, thành phố ban hành danh mục các ngành hàng sản phẩm chủ lực; 12 tỉnh, thành phố ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết; có 6 tỉnh ban hành kế hoạch liên kết để tổ chức triển khai; 6 tỉnh phê duyệt đề án, dự án liên kết của tỉnh với 76 dự án được phê duyệt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, đến nay cả nước đã có 2.975 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản với 1.082 doanh nghiệp. Đối với chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.254 chuỗi đã được chứng nhận với 1.452 sản phẩm, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm như: Rau quả và trái cây các loại, gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá tra, trứng gia cầm... Cả nước có 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 649 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cả nước hiện cung xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việt Nam hiện đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là: Cá tra, lâm sản và lúa gạo.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT trình bày báo cáo tại Diễn đàn

Theo đánh giá của các bộ, ngành; việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện vẫn bộc lộ một số hạn chế: Khả năng liên kết của người dân còn yếu. Số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều. Việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn. Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết còn phổ biến. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù có nhiều cơ hội sau hội nhập quốc tế, nhưng xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp, khắt khe…

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo xuất khẩu tại các thị trường: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Philippine, Australia... cho rằng: Mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa gạo đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và rất cần thiết, thế nhưng lại không thể phát triển nhân rộng, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng liên kết ở các địa phương lại có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là do các chuỗi liên kết thiếu vốn, nguồn lực chính để thực hiện. Để khuyến khích các chuỗi phát triển, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, ông Bình cho rằng Chính phủ cần có phương án vốn thực hiện cánh đồng liên kết trồng lúa. Có như vậy, ngành lúa gạo của Việt Nam mới phát triển theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn phát biểu bế mạc Diễn đàn

Tại phần thảo luận của diễn đàn, sau khi gửi nhiều câu hỏi tới Ban chủ tọa diễn đàn, các đại biểu đã tham gia góp ý, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản, hướng tới tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất là giải quyết bài toán về vốn thông qua đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể và từng địa phương. Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia