Quang cảnh hội nghị

Tổng diện tích lúa xuống giống vụ đông xuân 2016-2017 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSC)L đạt khoảng 1,5 triệu ha; ước năng suất đạt 67 tạ/ha; sản lượng ước đạt khoảng 10 triệu tấn. Diện tích lúa gieo trồng giảm nhưng năng suất tăng 2,19 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, năng suất lúa bình quân của một số tỉnh thấp hơn so với kế hoạch do trà lúa gieo sớm trổ vào thời điểm gặp mưa trái mùa, lượng mưa nhiều hơn trung bình hàng năm, thời gian chiếu sáng thấp hơn khoảng 30-200 giờ với năm trước đã ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, tạo hạt, đồng thời gây đổ ngã khi thu hoạch làm giảm năng suất. Một số loại dịch hại gây hại cục bộ nhưng trên diện tương đối rộng và mức độ gây hại cao tác động đến năng suất lúa.

Về thời vụ, một số tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng xuống giống sớm trong tháng 9 và 10 tranh thủ thời vụ để thu hoạch lúa trước tết, nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn mặn cuối vụ trong mùa khô năm 2017. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của cơn mưa trái mùa vào tháng 11 và 12 gây suy giảm năng suất. Với các trà lúa xuống giống đông xuân chính vụ tháng 11 và 12, hiện lúa đang ở các giai đoạn trỗ, chín và đang cho thu hoạch, ước năng suất cao.

Về cơ cấu giống lúa chính: nhóm giống lúa thơm, đặc sản: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, ST, RVT; nhóm giống lúa nếp: nếp IR4625, nếp Bè, CK; nhóm giống cao sản chất lượng cao tập trung cho xuất khẩu: OM5451, OM4900, OM7347, OM4218; nhóm lúa thường: IR 50404, OM576.

Ngoài sản xuất lúa, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ đông xuân các tỉnh ước đạt 9.000 ha, cây chuyển đổi chủ yếu là ngô, đậu tương, lạc, vừng, rau đậu các loại… Diện tích thực hiện cánh đồng mẫu lớn ước đạt khoảng 150 ngàn ha, trong đó khoảng 140 ngàn ha là những vùng có liên kết với doanh nghiệp thu mua, hiệu quả gia tăng.

Từ hiện trạng sản xuất trên và các dự báo, diễn biến về khí tượng thuỷ văn trong năm 2017 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2017. Theo đó, các địa phương cần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, khắc phục khó khăn. Tập trung bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống hợp lý, né tránh hạn, mặn, nhanh và gọn. Cơ sở để bố trí thời vụ ngoài những căn cứ hiện trạng về nguồn nước, đất đai, tập quán canh tác, còn phải xây dựng kế hoạch thời vụ chặt chẽ đối với từng tiểu vùng sinh thái có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn và ngập lũ theo các cấp độ để né hạn./.                

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia