Chăn nuôi dê giúp cuộc sống gia đình bà Phạm Thị Mai (huyện Định Quán) ổn định hơn trước 

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò, dê

Gia đình bà Phạm Thị Mai chỉ là một trong số hộ nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ ý chí bản thân thông qua nguồn vốn hỗ trợ của “Dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo” do Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai trong thực tế từ năm 2012 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây được xem là dự án phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên cơ sở phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai với Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, xã. Qua 6 năm thực hiện, đến hết năm 2017, dự án đã tổ chức được 299 lớp tập huấn, thực hiện 2931 điểm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân nghèo trên địa bàn.

Cùng với những chính sách hỗ trợ sản xuất thiết thực cho hộ nghèo, gắn công tác dạy nghề với mô hình sản xuất cụ thể, Dự án giúp hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để từng bước vươn lên thoát nghèo hiệu quả và bền vững. Đối tượng thụ hưởng là những hộ nghèo thuộc đối tượng chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh, có đủ điều kiện sản xuất; trong đó ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Dự án được triển khai thực hiện với nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo ở lĩnh vực cây trồng và vật nuôi với các mô hình trồng lúa, bắp, mía; nuôi gà, dê và bò. Hộ được chọn thực hiện mô hình nuôi gà, trồng lúa, trồng bắp và trồng mía được hỗ trợ liên tiếp 02 chu kỳ; mô hình nuôi dê và nuôi bò hỗ trợ một lần. Qua theo dõi thực tế, các điểm hỗ trợ chăn nuôi dê, nuôi bò sinh sản do Dự án thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với người nghèo nông thôn. Ghi nhận thực tế, từ năm 2012 đến nay, dự án đã đạt được những kết quả thiết thực như: hầu hết các mô hình chăn nuôi đều được duy trì, phát triển đàn; hộ nghèo nắm vững kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất; góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt trên 80% số hộ tham gia dự án.

Là một trong số 20 hộ nông dân được nhận hỗ trợ bò từ Dự án, hộ bà Phạm Thị Hồng ngụ tại khu phố 7, thị trấn Vĩnh An không giấu được niềm vui. Bởi 10 năm nay kể từ ngày chồng mất, một mình bà vất vả mưu sinh với gánh ve chai để nuôi mẹ già và 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Mong ước cải thiện cuộc sống gia đình đã trở thành sự thật khi bà nhận được sự hỗ trợ từ dự án Khuyến nông. Năm 2017, từ nguồn vốn được hỗ trợ là 10 triệu đồng, gia đình bà đã bỏ thêm vốn đối ứng 9 triệu để mua 01 con bò mẹ đang mang thai, sau 6 tháng con bò đã sinh được 01 con bò con.

Nhờ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, nhận biết và xử lý một số bệnh thông thường nên bà Phạm Thị Hồng chăm sóc bò khá tốt, các loại thức ăn như rau, củ, quả, lá đều vệ sinh sạch sẽ trước khi cho bò ăn. Ngoài ra, bà Phạm Thị Hồng cho bò ăn thêm những loại thức ăn tinh như: bắp xay, cám gạo, các loại cám tổng hợp được bán trên thị trường. Đặc biệt bổ sung khoáng chất cho bò nên bò phát triển tốt. Ngoài 2 con bò của mình, bà Phạm Thị Hồng còn nhận chăm sóc thêm bò của những hộ lân cận để có thêm thu nhập lo cho mẹ già và đàn con thơ ăn học thành tài.

Gia đình ông Lê Thanh Hiệp ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu cũng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn ở địa phương. Nguồn sống của cả nhà và việc học của 02 con chỉ trông chờ vào nghề đánh bắt cá của ông. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông chọn và hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình góp thêm 3 triệu để mua 04 con dê bầu từ cuối tháng 11-2016. Đến nay đàn dê nhà ông đã lên đến 17 con. Chỉ khoảng 2 tháng nữa, ông sẽ xuất bán 06 con dê thu về khoảng 15 triệu đồng.

Trao “cần câu” cho hộ nông dân nghèo

Nếu như trong giai đoạn 1 (2012-2015), mức hỗ trợ của Dự án cho một hộ nghèo chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng thì bước sang giai đoạn 2 mà cụ thể là trong  hai năm 2016 và 2017, mức hỗ trợ đã đạt từ 5 -10 triệu đồng/hộ. Theo đó, mức hỗ trợ cho hộ trồng lúa, bắp, mía 5 triệu đồng/1 năm/1 hộ x 2 năm; hộ nuôi gà 7 triệu đồng/1 năm/1 hộ x 2 năm; hộ nuôi dê, bò 10 triệu đồng/1 hộ. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất mà Dự án đạt được chính là việc giúp người nghèo có thể tiếp cận tốt nhất với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất để áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, giúp họ cải thiện và phát triển kinh tế gia đình, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững.

Theo đánh giá của ông Lương Thành Trung, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, việc tập huấn gắn với thực hành giúp hộ dân đã nắm được khá tốt kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc đối với cây trồng; kỹ thuật thiết kế, xây dựng chuồng trại, chăm sóc vật nuôi đối với chăn nuôi. Các lớp tập huấn cũng trang bị cho nông dân kiến thức phòng, trị một số loại bệnh phổ biến trên bắp, lúa, gà, dê, bò nhất là các bệnh từng phát sinh trong quá trình thực hiện đã qua.

Lớp tập huấn 3 ngày được xem là lớp dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo, tổ chức tập huấn gắn với hiện trường, học lý thuyết gắn với thực hành trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Qua tập huấn cho thấy, người dân tin tưởng vào việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, từ bỏ dần tính bảo thủ, thói quen canh tác lạc hậu, qua đó kinh nghiệm sản xuất, khả năng sản xuất của người dân được nâng lên rất nhiều.

Các hộ được chọn hỗ trợ sản xuất đều tuân thủ đúng theo qui trình kỹ thuật được tập huấn, chuyển giao. Nhờ vậy, các nội dung triển khai đạt hiệu quả cao. Thực tế sản xuất cũng đã chứng minh các hộ đạt năng suất cao trong sản xuất đều là những hộ tuân thủ theo qui trình kỹ thuật một cách tốt nhất.

Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự cố gắng vươn lên của bản thân từng hộ nghèo nên “Dự án Khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo” cũng như Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Thông qua việc thực hiện chương trình giảm nghèo đã làm chuyển biến nhận thức về ý nghĩa và tính nhân văn trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tạo nên phong trào rộng lớn, giúp người nghèo có sự tự tin vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống, góp phần giảm khoảng cách giàu - nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội./.

Linh Nhâm 

Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai