Tham gia lớp tập huấn có gần 40 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, nông dân, chủ trang trại, và thành viên các tổ hợp tác, Hợp tác xã Nông nghiệp của 4 tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Toàn cảnh lớp tập huấn

 

Ở Việt Nam hiện nay, mô hình phát triển kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới. Với tình trạng dân số bùng nổ, các thành phố sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức hơn về kinh tế - xã hội và môi trường. Hơn nữa, trong những năm gần đây, việc khai thác quá mức tài nguyên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng, cùng với lối sống hiện đại, sử dụng nhiều năng lượng dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho môi trường và con người. Do đó sự chuyển dịch hướng về một nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu để đạt được sự phát triển bền cững và toàn diện hơn.

Trong 2 ngày tập huấn, các học viên đã được tiếp cận với nội dung kinh tế tuần hoàn – nông nghiệp tuần hoàn, hiểu được việc kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp và mang lại nhiều lợi ích trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp như việc tối ưu hóa và tận dụng các nguồn phụ phế phẩm từ các hoạt động sản xuất, làm các nguồn nguyên liệu đầu vào; hay đa dạng hóa hoặc kết nối các loại hình canh tác dòng tài nguyên các loại hình nông nghiệp khác nhau, chẳng hạn như các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - thủy sản kết hợp( tôm - lúa, vườn – ao - chuồng, tôm - rừng,...), từ đó có cái nhìn mới hơn trong việc xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, giảm thải khí nhà kính mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng tại lớp tập huấn, học viên còn được giảng viên truyền đạt các nội dung về quy trình chế biến phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật chăn nuôi an toàn kết hợp xử lý chất thải và sản xuất phân hữu cơ; chăn nuôi hữu cơ – những điều kiện cần và yêu cầu của chăn nuôi hữu cơ – những giải pháp thay thế (hạn chế sử dụng) trong quy trình kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng, giúp người chăn nuôi có định hướng về một nền chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Học viên tham quan mô chăn nuôi lợn rừng lai theo hướng hữu cơ tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom

 

Nằm trong chương trình của lớp tập huấn, các học viên đã được đi tham quan mô hình chăn nuôi lợn rừng lai theo hướng hữu cơ tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Với diện tích gần 1 ha đất, anh Hoàng, chủ trang trại đã xây dựng và nuôi quy mô 100 con lợn rừng nái và hơn 300 con lợn rừng thịt nuôi theo hướng hữu cơ. Thức ăn chủ yếu cho lợn là ngô, thân cây chuối, rau củ quả và các loại cây thảo dược trồng trong trang trại như cây lược vàng, cây trà khổng lồ… để phòng bệnh. Sau khi tham quan mô hình, các học viên được chia ra làm 3 nhóm nhận xét về mô hình chăn nuôi tuần hoàn, vấn đề an toàn sinh học của trang trại. Anh Hoàng đã cảm ơn lớp học về những góp ý chân tình và thiết thực đối với trang trại của mình và hứa sẽ làm theo.

Lớp tập huấn đã giúp cho các học viên hiểu hơn về sự cần thiết của việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, về chăn nuôi hữu cơ, từ đó có thể kết nối với những người chăn nuôi khác, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai theo hướng hữu cơ của anh Hoàng

 

Bích Ngọc

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai