Mô hình xử lý ra hoa rải vụ và phân bón nhãn là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế nhãn Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp" do TS. GS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm dự án đã xây dựng. Ngày 7/7/2020, Trường Đại học Cần Thơ Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm DVNN huyện Châu Thành tổ chức hội thảo, tổng kết mô hình.

Tham dự hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn, Phòng Nông nghiệp &PTNT, Trung tâm DVNN huyện Châu Thành, lãnh đạo UBND các xã An Khánh, An Phú Thuận, An Nhơn, Phú Hựu, Tân Nhuận Đông và Thị trấn Cái Tàu Hạ,… đại diện các Hội quán và hơn 40 nông dân trồng nhãn trong huyện Châu Thành.

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả mô hình. Theo đó, đã xây dựng mô hình sản xuất nhãn E-dor đạt tiêu chuẩn ViêtGAP trên diện tích 113,9 ha. Mô hình thực hiện tưới chlorate kali vào đất với liều 100mg/mét đường kính tán. Qua đó đã cho tỷ lệ hoa đạt gần 80%, trong đó tỷ lệ ra hoa mùa thuận đạt trên 90%, năng suất trên 90 kg/cây. Nếu áp dụng quản lý dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học như bón thêm phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để quản lý bệnh thối trái cho cây nhãn E-dor… cho năng suất hơn, 120 kg/cây.

Qua việc thực hiện mô hình, bà con nông dân trồng nhãn trong huyện Châu Thành có thể học tập kinh nghiệm, áp dụng vào vườn nhãn của mình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó thu được hiệu quả cao hơn từ cây nhãn.

Nguyễn Trí Tuệ

Trung tâm DVNN&NSNT Đồng Tháp