Trong vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019, huyện Cao Lãnh có kế hoạch xuống giống gần 30.000 ngàn héc-ta, tập trung vào 2 đợt: đợt 01 chỉ xuống giống ở các ô bao bảo vệ ăn chắc với diện tích trên 4.500 héc-ta; đợt 02 xuống giống với diện tích gần 25.000 héc-ta. Tính đến thời điểm này, nông dân huyện Cao Lãnh đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc xuống giống vụ Đông Xuân như vệ sinh đồng ruộng, cày xới trục nhận rơm rạ và đặc biệt là giống.

Tại chương trình, các chuyên gia đã thông tin cho người nông dân nhiều biện pháp sản xuất có hiệu quả lúa vụ Đông Xuân 2018 – 2019 như: Cách chọn giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, hạn chế được sâu bệnh; Cách phòng trừ thiệt hại do sâu bệnh gây ra, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và một số đối tượng gây hại khác như muỗi hành, bệnh đạo ôn;  Lựa chọn và sử dụng một số loại phân bón phù hợp; Cách thức liên kết và duy trì lâu dài với một số doanh nghiệp;....

Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến cáo bà con nông dân trong sản xuất cần hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần, có thể xử lí chế phẩm Trichoderma trước khi vùi rơm rạ, bón vôi và tăng cường phân lân ngay từ đầu vụ nhằm hạn chế bị ngộ độc hữu cơ trên cây lúa; trên cùng một cánh đồng nên chọn 1 – 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau để dễ chăm sóc, không ảnh hưởng đến việc xây dựng lịch tưới tiêu của các trạm bơm, nhất là việc liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Các chuyên gia đã thông tin cho người nông dân nhiều biện pháp sản xuất có hiệu quả 

Trong thời điểm thời tiết diễn biến bất thường hiện nay, có những cơn mưa kéo dài, mực nước còn rất cao. Vấn đề quan trọng nhất, bà con nông dân cần xuống giống ở các ô đê bao vững chắc, nơi các chủ đầu tư trạm bơm chống úng tốt và nên theo khung lịch xuống giống của huyện, lịch điều chỉnh xuống giống của địa phương phù hợp theo điều kiện cụ thể để bảo đảm vụ lúa ăn chắc và đạt năng suất cao.

Trần Thắng

UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp