Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ, sản xuất của các tỉnh, thành vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên ở vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2022 đạt kết quả khá tích cực.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2022 của các tỉnh, thành trong vùng ước đạt trên 181 nghìn ha, tăng gần 1 nghìn ha; năng suất ước đạt trên 63 tạ/ha, tăng 1,65 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.145 nghìn tấn, tăng 35 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2021; trong đó, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trên 176 nghìn ha, tăng gần 1 nghìn ha; năng suất ước đạt trên 63 tạ/ha, tăng 1,64 tạ/ha; sản lượng đạt trên 1.110 nghìn tấn, tăng 35 nghìn tấn so với cùng kỳ; vùng Tây Nguyên trên 5 nghìn ha, bằng so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 58 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 33 nghìn tấn, bằng so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với vụ Mùa, tổng diện tích gieo trồng của vùng ước đạt trên 272 nghìn ha, tăng hơn 1 nghìn ha; năng suất ước đạt trên 53 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.465 nghìn tấn, tăng 35 nghìn tấn so với vụ Mùa 2021; trong đó, vùng Duyên hải Nam Trung bộ 121 nghìn ha, tăng gần 1 nghìn ha; năng suất ước trên 52 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha; sản lượng ước 634 nghìn tấn, tăng 17 nghìn tấn so cùng kỳ. Vùng Tây Nguyên trên 150 nghìn ha, tăng khoảng 300 ha; năng suất ước đạt trên 54,8 tạ/ha, tăng trên 1tạ/ha; sản lượng ước đạt 831 nghìn tấn, tăng 17 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Như Cường, có được kết quả trên là nhờ sự phối hợp giữa Cục Trồng trọt, các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trong việc chủ động rà soát sắp xếp thời vụ, mùa vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong từng tỉnh theo chủ trương đảm bảo nguồn nước, phòng tránh tốt dịch hại và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Đặc biệt, nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao, đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo địa phương trong việc hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều chủ động tu sửa, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa…, kịp thời phục vụ tưới tiêu ổn định; công tác dự tính, dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Hơn nữa, bà con nông dân đều có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ sản xuất như: giống; làm đất; vệ sinh đồng ruộng…, nhờ đó hiệu quả sản xuất qua các vụ mang lại rõ nét.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, kết quả đạt được qua các vụ sản xuất của các tỉnh, thành trong vùng chưa cao, chưa có tính bền vững bởi sản xuất còn manh mún, theo mô hình cá thể, nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có sự hợp tác, liên kết giữa các nông hộ với nhau nên việc quản lý sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm thu hoạch, chế biến tiêu thụ gặp khó khăn.

Đồng thời, thời gian qua do thời tiết chưa thuận lợi, thị trường tiêu thụ nông sản biến động và có một vài thời điểm tiêu thụ khó khăn do diễn biến dịch COVID-19; giá vật tư nông nghiệp tăng và khan hiếm lao động… dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận của nông dân bị giảm.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp; tổ chức quản lý sản xuất còn hạn chế.

Ngoài ra, việc cơ giới hoá trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến sau thu hoạch rất thấp, phần lớn chỉ mới thực hiện cơ giới hóa ở khâu làm đất, khâu thu hoạch nông sản.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, sản xuất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tuy có phát triển nhưng nếu so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng hay vùng Nam Bộ, Tây Nam Bộ là chưa cao cả về quy mô sản xuất lẫn sản lượng. Thực tế tại nhiều địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước tưới… nhưng giá trị và hiệu quả kinh tế mang lại đối với sản phẩm làm ra chưa cao, chưa có sự cạnh tranh cao trên thị trường. Nguyên nhân được các đại biểu xác định, đó là thời tiết diễn biến phức tạp, tác động nhiều đến sản xuất; nhiều tỉnh, thành chưa có sự liên kết trong sản xuất; cơ cấu giống các loại chưa có sự thay đổi, vẫn là loại giống cũ; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả; nông dân chưa mạnh dạn đầu tư, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều vào sản xuất nên tuy năng suất, sản lượng có tăng nhưng chưa cao. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mở rộng diện tích sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất thành công và hiệu quả. Mặc dù giá cả vật tư tăng cao nhưng nhiều tỉnh, thành và người dân đã cân đối sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư và đã mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý các địa phương phải linh động trong sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết; tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấy cây trồng phù hợp với từng xứ đồng, nguồn nước hiện có; đồng thời sử dụng hiệu quả cơ cấu giống hợp lý, giống tốt và thực hiện theo đúng khuyến cáo của Cục Trồng trọt.

Đối với các cây trồng khác, các địa phương trong vùng cần tái canh phù hợp với thời điểm; cấp mã số vùng trồng cơ sở để sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Hiện nay, dư địa của các địa phương trong vùng còn rất lớn. Do đó, các đơn vị liên quan thuộc Bộ cần phối hợp cùng các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể về sản xuất, nhất là cơ cấu hỗ trợ giống mới, chất lượng cao phù hợp với từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng, quản lý và xử lý tốt dịch hại xảy ra trên cây trồng, chủ động các giải pháp để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu để hạn chế thiệt hại cho sản xuất; đồng thời tìm hướng liên kết sản xuất giữa các tỉnh trong vùng một cách bền vững để năng cao hiệu quả sản xuất, năng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập hơn nữa cho nông dân./.

TTXVN