Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đã thông báo kết quả công tác quý III và 9 tháng năm 2018; kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2018. Trao đổi, cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí về các vấn đề được các nhà báo, dư luận quan tâm, đặt câu hỏi như: Công tác chỉ đạo sản xuất gắn với phát triển thị trường nông sản; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; các giải pháp khai thác thủy sản bền vững, ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp; công tác quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn chủ trì cuộc họp báo.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kết quả sản xuất ngành nông nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2018 cho thấy bức tranh khả quan về tình hình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ngành. Mặc dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai với những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản (tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.356 tỷ đồng), nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2017. Đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành, có vai trò nổi bật của các lĩnh vực thuỷ sản (giá trị sản xuất tăng 6,46%), lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%), và chăn nuôi (tăng 2,41%); những sản phẩm tăng mạnh về giá trị và sản lượng là lúa gạo, rau quả, thịt gia cầm xuất khẩu, cá tra, gỗ và sản phẩm của gỗ.

Tính đến hết tháng 9, cả nước đã gieo cấy được 7.262,4 nghìn ha lúa, giảm so với cùng kỳ; thu hoạch được 5.157 nghìn ha. Năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng khoảng 2,7 tạ/ha, sản lượng lúa tăng ước đạt 31,7 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017; riêng vụ đông xuân, năng suất ước đạt 66,4 tạ/ha, tăng 4,1 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn (5,8%) so với vụ đông xuân năm trước. 

Chín tháng đầu năm, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt. Tính đến ngày 24/9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Trong tháng 9, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định; giá thịt lợn duy trì mức giá cao (thịt lơn hơi khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi. Bên cạnh đó các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước đã tăng nhanh hơn so với thời gian trước. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.

Với ngành lâm nghiệp, thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng; khai thác gỗ đạt khá do thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mở rộng. Luỹ kế đến ngày 25/9, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 161,2 nghìn ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 433,7 nghìn ha, giảm 13,1%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 5.872,1 nghìn ha, tăng 10,7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 9,1 triệu m3, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến ngày 20/9, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 64 xã (0,72%) so với cuối tháng 8/2018; có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chín tháng đầu năm sản lượng thủy sản ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 2,58 triệu tấn (+5,1%), nuôi trồng ước đạt 2,93 triệu tấn (+6,6%). Trong đó, sản lượng thuỷ sản tháng 9 ước đạt 669 nghìn tấn, tăng 6,0% so với tháng 9/2017.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành quý IV và cả năm 2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn lưu ý các đơn vị kế hoạch thực hiện một số lĩnh vực, cụ thể như sau:

- Trồng trọt: Theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước đảm bảo sản xuất lúa được thuận lợi, tránh được ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh. Theo dõi và chỉ đạo sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, tái canh cà phê, ghép cải tạo giống điều, rải vụ cây ăn trái ở phía Nam.

- Chăn nuôi: Theo dõi, bám sát cung, cầu sản, đặc biệt là thị trường thịt lợn trong nước và các nước láng giềng; chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ nguồn cung từ nay đến cuối năm và cho xuất khẩu.

- Thuỷ sản: Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU; hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; tiếp tục chỉ đạo sản xuất, đặc biệt với tôm, cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long.

- Lâm nghiệp: Chỉ đạo trồng rừng, đặc biệt đối với việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đặc biệt, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo định hướng phát triển 3 trục sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực địa phương). Trong tháng 10/2018, tập trung thúc đẩy gia tăng sản lượng, giá trị, kim ngạch xuất khẩu đối với những lĩnh vực, sản phẩm đang có nhu cầu gia tăng và thị trường tốt tạo đà đạt mục tiêu của Quý IV và đóng góp quan trọng để ngành đạt và vượt các mục tiêu chủ yếu đã đề ra cả năm 2018.

Hải Đường