Chăn nuôi cừu tại Ninh Thuận (ảnh: PTQ)

Ngày 09 tháng 6 năm 2016, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn hán ở các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung (DHMT): Đà Nằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ...

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ (Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Tổng cục Thủy lợi) và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận: Nắng nóng và hạn hán tại các tỉnh DHMT thời gian qua rất gay gắt làm ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Cần thiết sớm có những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài cho sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất chăn nuôi nói riêng tại vùng này.

Các tỉnh DHMT có cơ cấu vật nuôi rất đa dạng và thời gian gần đây có sự tăng trưởng đáng kế. Đây là khu vực có thể phát triển chăn nuôi các vật nuôi chịu nóng hạn (chăn nuôi tiết kiệm nước) như dê, cừu, đà điểu, chim yến và bò thịt; góp phần đáng kể vào thu thập cho nông hộ khi trồng trọt và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác chịu ảnh hưởng nặng nề do nóng, hạn hán.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

a) Công tác chỉ đạo và điều hành:

-  Dự báo tình hình nóng, hạn còn kép dài đến tháng 9, cần bám sát tình hình diễn biến thời tiết, tình hình chăn nuôi và thiệt hại chăn nuôi; hoàn cảnh các hộ nông dân và đời sống người dân ở các khu vực ảnh hưởng nóng, hạn để có các biện pháp ứng phó kịp thời, đề xuất các chính sách an sinh xã hội.

- Rà soát đánh giá kết quả tái cơ cấu nông nghiệp: vừa tiếp tục phát triển các đối tượng vật nuôi truyền thống, vừa điều chỉnh đối tượng vật nuôi chịu hạn và chăn nuôi tiết kiệm nước; cơ chế chính sách và điều chỉnh nguồn vốn từ các chương trình cho phù hợp.

- Triển khai nhanh và đồng bộ các giải pháp tổ chức lại sản xuất. Trong đó, ưu tiên tổng kết, nhân rộng các mô hình liên kết giữa các hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp để thu mua tiêu thụ sản phấm.

- Phát huy vai trò các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội, Hiệp hội nuôi chim yến, ong mật, bò thịt, ...) để hỗ trợ nhau trong sản xuất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sản xuất.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp có liên quan: thông tin khí tượng thủy văn; thông tin, dự báo thị trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thủy lợi; trồng rừng;....

b) Các giải pháp kỹ thuật:

- Đảm bảo giám sát tốt dịch bệnh; không để bùng phát dịch bệnh.

- Khảo sát, đánh giá lại các giống vật nuôi, cây thức ăn chăn nuôi tại địa phương và tiến hành chọn lọc, lai tạo giống để tạo ra các giống, tổ hợp lai có khả năng chịu nóng, hạn và kháng bệnh tốt, có năng suất, chất lượng cao. Kết hợp nhập khẩu các giống vật nuôi, cây thức ăn chăn nuôi có tiềm năng năng suất, chất lượng và khả năng chịu nóng, hạn từ các nước trên thế giới để làm phong phú bộ giống hiện có.

- Tổng hợp và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, công nghệ cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi (giống, chăm sóc nuôi dưỡng, chế biến thức ăn) chuyển giao nhanh cho các hộ nông dân tại vùng DHMT.

- Đánh giá, tổng kết những mô hình, những kinh nghiệm hay có tính sáng tạo trong chăn nuôi tại các địa phương để nhân ra diện rộng.

Để triển khai thực hiện, Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị:

a) Cục Chăn nuôi

- Cử cán bộ đến các địa phương bị hạn nặng để khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật. Nắm thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh báo cáo kịp thời cho Lãnh đạo Bộ về tình hình chăn nuôi và thiệt hại chăn nuôi do nóng, hạn tác động tới đời sống người dân; đề xuất giải pháp, thực thi công tác chỉ đạo khôi phục và phát triển sản xuất.

- Hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng DHMT rà soát đề án tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến cáo điều chỉnh đối tượng vật nuôi và tổ chức chăn nuôi của các tỉnh thích ứng với nóng, hạn trước mắt cũng như lâu dài.

- Tham mưu trình Bộ chương trình hoặc đề án phát triển chăn nuôi cho vùng DHMT. Trong đó, đề xuất các giải pháp quy hoạch, tổ chức sản xuất, thị trường, khoa học công nghệ, kỹ thuật, chính sách và cơ chế phối hợp Trung ương và địa phương, phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh nhập khẩu giống vật nuôi và quy trình công nghệ chăn nuôi, chế biến sản phẩm cho chăn nuôi tại các tỉnh DHMT.

- Duy trì việc tổ chức hội nghị chăn nuôi hàng năm tại khu vực DHMT.

b) Cục Thú y

- Chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp giám sát dịch bệnh chủ động, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi các tỉnh vùng DHMT; bằng mọi biện pháp giảm các thủ tục hành chính, các chi phí về phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển.

- Kịp thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy việc các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh của vùng DHMT (tổ yến, thịt đà điểu, thịt cừu, mật ong, ...).

c) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

- Rà soát, đề xuất điều chỉnh các nhiệm vụ nghiên cứu, các đề tài, dự án và cân đối ngân sách về khoa học công nghệ phục vụ kịp thời cho chăn nuôi thích ứng với nóng, hạn tại vùng DHMT từ kế hoạch năm 2017.

- Thống kê và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến điều kiện nóng, hạn cho các hộ thông qua khuyến nông.

d) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

- Phối hợp các đơn vị trong Bộ và các địa phương tổng kết từ thực tiễn, khuyến cáo các mô hình chăn nuôi hiệu quả và bền vững trong điều kiện nóng, hạn cho các nông hộ tại các tỉnh vùng DHMT.

- Thông qua hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến các địa phương, chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật con giống, quy trình chăn nuôi các vật nuôi thích ứng với nóng, hạn và xâm nhậm mặn tại vùng DHMT.

- Xây dựng và tuyên truyền các tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi nông hộ phục vụ cho DHMT.

đ) Viện Chăn nuôi

- Chủ động nghiên cứu thực tế và xây dựng gói kỹ thuật để nâng cao hiệu quả cho chăn nuôi các vật nuôi truyền thống lợn, bò, gia cầm (kể cả vịt biển) và chăn nuôi các vật nuôi thích ứng tốt trong điều kiện nóng, hạn và xâm nhập mặn khuyến cáo cho các hộ chăn nuôi tại vùng DHMT.

- Tập trung nguồn lực triển khai nhanh các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho chăn nuôi vùng DHMT khi được Bộ phê duyệt.

e) Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn DHMT (4 tỉnh bị nóng, hạn và xâm nhập mặn nặng) tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh:

- Tập trung tìm giải pháp để giải quyết thức ăn cho vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tiết kiệm nước trong chăn nuôi cho người nông dân duy trì, ổn định cuộc sống khi sản xuất nông nghiệp gặp bất trắc do nóng, hạn trong hiện tại cũng như phát triển bền vững lâu dài.

- Rà soát bổ sung đề án tái cơ cấu, quy hoạch chăn nuôi của địa phương.

- Lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp; tham mưu cơ chế chính sách đặc thù của địa phương cho phát triển chăn nuôi.

- Xây dựng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi và định kỳ tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm.

BBT (gt)