Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Chăn nuôi, Tập đoàn Masan và đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo thông tin từ tập đoàn Masan, ngày 4 tháng 2 năm 2018 đã chính thức khởi công dự án Tổ hợp chế biến thịt tại tỉnh Hà Nam. Ông Nguyễn Kiều Nam, Phó tổng giám đốc tập đoàn Masan cho biết, dự án có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 10 ha. Mô hình nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Đan Mạch, các thiết bị, dụng cụ vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trong quá trình sản xuất đều tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ. Đây là quy trình sản xuất sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) - sản phẩm hoàn toàn chưa có mặt trên thị trường Việt Nam. Quy trình độc đáo này chính là giải pháp để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) - sản phẩm chưa có mặt trên thị trường Việt Nam. Thịt heo mát được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho và bảo quản lạnh 0-4oC trong suốt thời hạn sử dụng; chính điều kiện vận chuyển, bảo quản này hạn chế vi sinh vật phát triển và giữ hương vị tự nhiên, tươi ngon cho sản phẩm và thịt heo mát có hạn sử dụng trong vòng 5 ngày. Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt heo này đã rất phổ biến và được chuẩn hóa trên thế giới (chilled meat).

Tập đoàn Masan hiện đã phối hợp với tỉnh Hà Nam triển khai quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung nhằm liên kết với nông dân để cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Tuy nhiên, làm sao để vừa xây dựng được các vùng chăn nuôi có quy mô rất lớn, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn nguyên liệu cho nhà máy, vừa đảm bảo tính bền vững, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa đáp ứng được định hướng cho xuất khẩu thịt lợn trong tương lai sẽ là những bài toán hết sức khó khăn trong thời gian tới. Trong đó để xuất khẩu thì cần phải xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và vùng an toàn dịch bệnh.

Lễ khởi công dự án Tổ hợp chế biến thịt tại tỉnh Hà Nam

Theo ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam thì hiện tại, tỉnh đã có quy hoạch vùng chăn nuôi lợn nguyên liệu cho nhà máy chế biến thịt của tập đoàn Masan với quy mô mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 200 nghìn con lợn thịt/lứa, tương đương 400 nghìn con/năm (trong tổng đàn khoảng 1 triệu con toàn tỉnh). Trước mắt, tỉnh đã quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung khoảng 48 ha tại huyện Bình Lục, trong đó lấy vựa chăn nuôi lợn xã Ngọc Lũ làm trọng tâm cùng 4 xã lân cận. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ít nhất khoảng 200 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, lập thành khu chăn nuôi tập trung kiểu mẫu đầu tiên trong tỉnh, thu hút các hộ chăn nuôi có năng lực ra chăn nuôi tại đây để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyên nông Quốc gia cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho các cơ sở được công nhận cở sở an toàn dịch bệnh tham gia chuỗi tiêu thụ sản phẩm; Đào đạo nông dân về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo VietGAHP để chủ động cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện như sau:

1. Bộ thành lập tổ công tác để hỗ trợ địa phương và tập đoàn Masan.

2. Tập đoàn Masan phải sớm xây dựng các tiêu chí, quy trình chăn nuôi, phương thức hợp đồng hợp tác liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm giữa hai bên. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực chăn nuôi kiểu mẫu theo tiêu chí của Masan.

3. Tỉnh Hà Nam đã có quy hoạch, đề nghị rà soát lại, đặc biệt xây dựng vùng an toàn dịch bệnh thí điểm tại xã Ngọc Lũ  - huyện Bình Lục.

4. Rà soát, điều chỉnh, ban hành quy chuẩn thịt mát làm căn cứ pháp lý cho phù hợp với tình hình thực tế.

5. Tập đoàn Masan phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

6. Masan cùng với tỉnh Hà Nam cần nghiên cứu kỹ các phương án ngay từ đầu, không để tình trạng khi các vùng chăn nuôi tập trung này đi vào hoạt động mà vấn đề môi trường vẫn chưa có phương án xử lí. Bên cạnh đó, Masan nên tìm các đối tác khác về sản xuất phân bón để tận dụng triệt để nguồn chất thải xơ sau xử lí để sản xuất khép kín phân bón vi sinh, không để áp lực về môi trường xảy ra khi các vùng chăn nuôi đi vào hoạt động.

Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia