Tham dự Diễn đàn có trên 250 đại biểu, trong đó có 180 nông dân trực tiếp sản xuất tôm đến từ 7 tỉnh ven biển trong khu vực: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Toàn cảnh Diễn đàn

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực tập trung xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm, phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Diễn đàn lần này với chủ đề “Giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống tại các tỉnh miền Trung” đang là vấn đề “nóng” và thời sự, thu hút sự quan tâm lớn của người dân. Đây là Diễn đàn thứ 2 trong chuỗi 31 sự kiện năm 2017, trong đó có 6 Diễn đàn và Tọa đàm về lĩnh vực thủy sản, chủ đề về tôm chiếm 50%.

Thời gian qua, các sự kiện khuyến nông luôn theo sát định hướng của Bộ, ngành, thời vụ và những vấn đề mang tính cấp thiết, kịp thời trong sản xuất nông nghiệp của từng vùng, miền; xác định vai trò tư vấn, đối thoại làm trọng tâm, luôn chú trọng đưa vào chương trình tổ chức Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Để đổi mới phương pháp tuyên truyền, Diễn đàn lần này đã dành nhiều thời gian hơn cho phần hỏi đáp và tập trung vào các báo cáo của nông dân điển hình. Ngoài báo cáo đề dẫn của Tổng cục Thủy sản trình bày về hiện trạng và giải pháp quản lý chất lượng giống tôm nước lợ, nêu những định hướng phát triển sản xuất tôm tại các tỉnh miền Trung, đã có 3 báo cáo của nông dân trực tiếp sản xuất tôm đạt hiệu quả cao tại tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và Quảng Nam, trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất thực tiễn tại địa phương để các tỉnh học tập làm theo.

Cơ hội, thách thức của ngành tôm Việt Nam

Ngành tôm đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và hạn, mặn xâm nhập. Vì vậy, nếu như trước đây trong định hướng tái cơ cấu nền nông nghiệp, cây lúa và cây ăn trái là những đối tượng được ưu tiên phát triển hàng đầu, thì hiện nay cách tiếp cận các đối tượng xoay ngược lại, xác định những mũi nhọn xuất khẩu lần lượt là thủy sản, trái cây và cuối cùng là cây lúa. Trong đó, con tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản.

Mặc dù thế mạnh về vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu của con tôm đã được khẳng định, nhưng ngành tôm của nước ta hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, dịch bệnh thường xuyên xảy ra... Trong đó, chất lượng con giống luôn là vấn đề được người nuôi tôm quan tâm, bởi đây là yếu tố gần như quyết định đến 50% sự thành bại của vụ nuôi.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, với nhu cầu tôm giống hàng năm của cả nước khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản giống là 230.000 con, trong đó: 200.000 tôm thẻ chân trắng và 30.000 tôm tôm sú. Hiện cả nước có khoảng 1.863 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ trong đó 1.297 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 566 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Khu vực các tỉnh miền Trung chiếm 51,7% số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 95% số cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, chất lượng tôm giống trong nước hiện nay rất thấp và còn nhiều bất cập hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, nên sản xuất thiếu tính chủ động và phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài. Thực tế hiện nay người nuôi tôm rất khó chọn mua được tôm giống tốt giữa vô vàn thương hiệu, thậm chí khi chọn được nguồn tôm giống có thương hiệu được đánh giá cao, người nuôi vẫn có thể gặp phải đàn giống chất lượng kém, mang mầm bệnh, gây dịch khiến tôm chết hàng loạt sau 2 - 3 tuần thả nuôi. Bên cạnh đó, một số công ty cung cấp tôm giống còn tăng giá, khiến giá thành sản xuất tôm thương phẩm tăng, đã gây khó khăn cho người nuôi.

Diễn đàn đã dành thời gian chủ yếu để các chuyên gia đối thoại, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của cán bộ quản lý, bà con nông dân, với 37 câu hỏi - đáp xoay quanh các vấn đề về: quản lý tôm giống, tôm bố mẹ, cơ chế chính sách sản xuất tôm theo chuỗi, chọn tạo giống tôm, cách phân biệt giữa tôm giống sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu và tôm giống từ nguồn chọn tạo trong nước; kỹ thuật nuôi thương phẩm, sản xuất tôm giống; các loại chế phẩm sinh học sử dụng hiệu quả trong quá trình nuôi; phòng trị bệnh cho tôm nuôi, địa chỉ mua tôm giống đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ...

Ngoài buổi tổ chức tại hội trường để các các chuyên gia tư vấn giải đáp những vướng mắc trong sản xuất cho bà con, các đại biểu đã được thăm quan mô hình nuôi tôm theo công nghệ sạch - biofloc đạt hiệu quả cao tại hộ ông Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tại hiện trường, bà con có cơ hội được học hỏi, chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm hay trong sản xuất tôm. Công nghệ nuôi tôm biofloc của gia đình ông Chính cho hiệu quả cao, năng suất đạt 77 tấn/ha, đặc biệt cho hệ số thức ăn thấp, dễ kiểm soát các yếu tố môi trường (NH3, H2S), giảm thiểu dịch bệnh.

Đại biểu thăm quan mô hình nuôi tôm theo công nghệ sạch - biofloc đạt hiệu quả cao tại hộ ông Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Hướng dẫn kiểm tra lượng biofloc trong ao nuôi tôm của hộ ông Lê Minh Chính

Giải pháp phát triển bền vững ngành tôm

Ngành tôm của nước ta hiện đang phát triển mạnh, đã tạo một vị thế vững chắc trong ngành tôm toàn cầu, hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, đã thâm nhập được hơn 160 thị trường nước ngoài. Nhờ việc ký kết các hiệp định thương mại nên thủy sản Việt Nam, đặc biệt là con tôm có lợi thế về thuế quan. Cùng với việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành tôm hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020, trên 50% tôm bố mẹ được sản xuất trong nước và đến năm 2025 là 100%, phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỉ USD, đến năm 2030 đạt 8 - 10 tỉ USD, các ngành chức năng cần phải góp ý các giải pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách để tìm hướng đi cho ngành tôm Việt Nam có bước tiến nhanh hơn, bền vững hơn.

Nhằm hướng tới các mục tiêu trên, tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống tại các tỉnh miền Trung”, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng hợp các ý kiến, đề xuất một số giải pháp như sau:

- Đối với Tổng cục Thủy sản: Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý con giống để đảm bảo số lượng, chất lượng; Tăng cường quản lý và kiểm soát thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển tôm bố mẹ trong nước để chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước.

- Đối với các viện, trường, trung tâm giống thủy/hải sản quốc gia, các trung tâm sản xuất tôm giống sạch bệnh, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tập trung cần thực hiện một số nội dung:

+ Hoàn thiện việc đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, lưu giữ và cung ứng giống tôm chất lượng hơn. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ để cung ứng con giống kháng bệnh cao, nhanh lớn, hệ số thức ăn thấp.

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, biofloc, mô hình VietGAP; nuôi an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất; tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh, cảnh báo trước khi có bệnh xảy ra.

+ Tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi tôm.

- Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Tăng cường hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mùa vụ và mật độ nuôi phù hợp, khuyến cáo người dân thả tôm giống cỡ lớn, ương nuôi hai giai đoạn, thả mật độ thưa để giảm rủi ro; Tổng kết và nhân rộng các mô hình nuôi tôm trên theo VietGAP, GMP.., nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế; Phát hành ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông, ngư dân; Tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đẩy nhanh nhân rộng các mô hình hiệu quả, với phương châm “Một người làm, nghìn người biết, hàng trăm hộ làm, hàng trăm hộ học tập làm theo”.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu kết luận Diễn đàn

- Đối với các doanh nghiệp: Tăng cường sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc cung ứng tôm giống, tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tìm hiểu các thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản khu vực miền Trung.

- Cơ quan thông tấn báo chí: Tăng cường tuyên truyền mô hình hiệu quả, mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất; Khuyến cáo cho người nuôi các địa chỉ cung ứng giống tôm đảm bảo chất lượng; tuyên truyền cho người người dân và doanh nghiệp chấp hành về các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản. Tích cực tố giác các hành vi gian lận trong sản xuất kinh doanh giống tôm.

- Bà con nông dân: Tích cực tham quan học tập, tham gia sản xuất theo hình hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với các nhà khoa học, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất./.

Nguyễn Mai

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia