Để đánh giá hiện trạng khó khăn và bàn các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ 7 tháng cuối năm 2016, ngày 19 tháng 5 năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị: “Giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu; Tổng cục Thủy sản; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Viện Nghiên cứu NTTS II; Cục Thú y; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Nuôi trồng thủy sản; Chi cục Thú y các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; một số doanh nghiệp, một số chuyên gia, cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị liên quan.

Thực tế cho thấy, ở những diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, điều kiện môi trường, thời tiết xấu làm độ mặn của nước tăng cao và thiếu nước ngọt bổ sung, không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Một số tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, độ mặn tăng cao, có nơi lên đến 30 – 500/00 , đặc biệt có những nơi độ mặn lên tới 700/00 làm cho tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết. Thống kê sơ bộ tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL tính đến ngày 17/5/2016 đã có khoảng 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu ở vùng nuôi quảng canh, tôm – lúa. Ngoài ra, hạn mặn không chỉ ảnh hưởng riêng tới con tôm mà còn ảnh hưởng tới các đối tượng thủy sản khác như ngao, hàu,...

Trong Hội nghị, bài tham luận của các đại biểu đều xoay quanh các giải pháp như: khuyến cáo kịp thời về môi trường và dịch bệnh xuống; khắc phục hậu quả tôm chết và xử lý môi trường; các giải pháp về mặt kỹ thuật và hỗ trợ các mô hình nuôi hiệu quả; xây dựng các làng liên kết chuỗi, làm cầu nối giữa chủ nhiệm hợp tác xã với các doanh nghiệp để cung cấp giống và thức ăn chất lượng đến với người dân…

Các đại biểu cũng giới thiệu tại hội nghị một số mô hình hiệu quả như: mô hình quảng canh cải tiến ít thay nước, mô hình nuôi khép kín tuần hoàn nước…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh các giải pháp sau:

1. Giải pháp cấp bách trước mắt:

- Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 bắt đầu có mưa nên các địa phương cần chuẩn bị rất kỹ càng và khẩn trương cho việc thả giống ở các phương thức nuôi khác nhau, đặc biệt là đối với phần diện tích tôm-lúa liên quan đến thời vụ, và các tỉnh có diện tích tôm-lúa bị hạn mặn nghiêm trọng thì cần có giải pháp đặc biệt.

- Các địa phương tổ chức thống kê thiệt hại và đánh giá đúng tình hình thiệt hại phần diện tích bị thiệt hại ở các phương thức nuôi khác nhau. Đối với những địa phương bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng như Cà Mau, Kiên Giang và một phần Bạc Liêu, phải tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương, tổ chức giao ban để ứng phó, hỗ trợ giúp cho người dân khôi phục sản xuất.

- Trên cơ sở tình hình thiệt hại, đề nghị các tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ cho những hộ gia đình thiệt hại theo các quy định của Nhà nước. Thay vì hỗ trợ thiệt hại bằng tiền, có thể hỗ trợ bằng con giống chất lượng.

- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về chất lượng vật tư cũng như giá cả vật tư, hướng dẫn người dân sử dụng các loại vật tư có chất lượng cũng như công bố công khai địa chỉ để người dân biết và mua được những sản phẩm đảm bảo chất lượng.

2. Giải pháp về kỹ thuật

- Các tỉnh rà soát lại thời vụ, đặc biệt là đối với diện tích tôm-lúa để điều chỉnh lại thời vụ thả được tôm khi mưa xuống cuối tháng 5, mặt khác cũng phải đảm bảo 1 vụ lúa.

- Khẩn trương xử lý ao đầm khi mưa xuống.

- Người dân không nên thả giống tôm nhỏ quá với tôm lúa và tôm quảng canh, mà cần phải ương giống lên kích cỡ lớn tiêu chuẩn rồi mới thả.

+ Cán bộ khuyến nông, cán bộ Chi cục nuôi trồng thủy sản, thú y tăng cường hướng dẫn cho người dân cập nhật và thường xuyên quan trắc môi trường.

3. Giải pháp bền vững và lâu dài

- Các cấp, bộ, nghành, trung ương và địa phương cần quan tâm và đặt nhiệm vụ quan trắc cảnh báo môi trường lên hàng đầu để chủ động dự báo thiên tai, xâm nhập mặn và các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu.

- Các địa phương cần tổng kết và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của từng vùng.

- Rà soát lại quy hoạch cũng như điều chỉnh lại thời vụ; rà soát, biên soạn lại tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bám sát với thực tiễn, phù hợp với trình độ và mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn và giao ban định kỳ.

- Ngoài hạn mặn do hiện tượng El Nino, thì các địa phương cũng phải chú ý đến tình hình dự báo về hiện tượng La Nina có thể xảy ra, bằng các biện pháp chủ động tình huống ứng phó trước như củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống.

- Kiểm soát tốt chất lượng vật tư và giống, về lâu dài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ liên kết với các Nhà khoa học và Doanh nghiệp để nghiên cứu các giống sạch kháng bệnh, phát triển nhanh và thích ứng được với biến đổi khí hậu, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất.

Nguyễn Quảng Bình

Trung tâm Tập huấn và CGCN Nông nghiệp vùng ĐBSCL