Pháp lệnh giống vật nuôi được ban hành năm 2014 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể cho phát triển của ngành chăn nuôi nước ta, làm thay đổi lớn về chất lượng giống, góp phần đưa năng suất và các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam tăng 2,5 lần, nuôi trồng thủy sản tăng 3 lần so với năm 2004.

Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện, một số quy định của Pháp lệnh bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với sự phát triển của ngành, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) như: thủ tục công nhận giống mới còn rườm rà, chăn nuôi nông hộ là phổ biến nên việc lai tạo giống còn tùy tiện, trên 90% trang trại giống tư nhân không thực hiện khai báo chính quyền địa phương nên việc kiểm soát chất lượng giống vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn…

Hiện tại chúng ta mới kiểm soát được trên 40% số lượng giống sản xuất trong nước, còn lại là giống nhập khẩu hoặc giống trôi nổi, tự sản xuất trong dân. Vì vậy, việc sửa đổi Pháp lệnh Giống vật nuôi là cần thiết để thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh phía Bắc.      

Hội thảo đã nghe 14 ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và các nhà khoa học. Nhiều đại biểu khẳng định, không thể bỏ quên, thậm chí phải hết sức quan tâm đến công tác giống vật nuôi trong bối cảnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang triển khai tích cực. Xuất phát từ thực tế đó, những vấn đề liên quan, đặc biệt là những mảng tối trong công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý giống vật nuôi ở nước ta đã được các đại biểu đưa ra nhằm hoàn thiện dự thảo pháp lệnh giống vật nuôi sắp tới.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình.. đã nêu những tồn tại và đề xuất những giải pháp quản lý giống trên địa bàn. Cụ thể, công tác khảo nghiệm công nhận giống vật nuôi mới nên quy định trong Pháp lệnh giống về điều kiện để các tổ chức khảo nghiệm được chỉ định thực hiện khảo nghiệm, quyền và trách nhiệm của cơ sở khảo nghiệm. Đối với danh mục giống vật nuôi, đề nghị bổ sung ban hành danh mục giống vật nuôi cấm sản xuất kinh doanh và danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

Kết thúc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp thu các ý kiến góp ý, bổ sung những quy định mới cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về giống vật nuôi để Pháp lệnh Giống vật nuôi (sửa đổi) có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu quản lý giống vật nuôi trong bối cảnh mới, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia