* Chương trình/ dự án khuyến nông địa phương:

- Lĩnh vực trồng trọt: Trung tâm triển khai 3 mô hình gồm:

+ Mô hình gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng ứng dụng hiệu ứng hàng biên tại 4 địa điểm, quy mô 78 ha thu hút 320 hộ tham gia. Lúa trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, hạn chế sâu bệnh hại. Lúa Xuân năng suất đạt 6,1 tấn/ha, lúa mùa đạt 56 - 58,5 tạ/ha. So với lúa gieo thẳng truyền thống thì lúa gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng, ứng dụng hiệu ứng hàng biên đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân gần 7 triệu đồng/ha, giải quyết được khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay về vấn đề về nhân lực.

+ Mô hình thâm canh bưởi Diễn theo VietGAP tại xã Châu Giang - thị xã Duy Tiên và xã Ngọc Lũ - Bình Lục, quy mô 12 ha với 45 hộ tham gia. Trung tâm Khuyến nông đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định IQC để chứng nhận VietGAP. Mô hình đã góp phần làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt nâng cao thu nhập cho các hộ trong mô hình trên 87 triệu đồng/ha/năm, tương đương 15,4% so với mô hình chăm sóc thông thường theo cách truyền thống. Các hộ tham gia còn được đơn vị tư vấn đánh giá và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP sau khi đã giám định.

+ Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và theo hướng VietGAP tại tỉnh Hà Nam’’, quy mô dự án 10 ha tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng. Mô hình đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất rau an toàn như: Xử lý đất bằng nhiệt mặt trời, ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm Trichoderma; Thử nghiệm sử dụng hệ thống tưới tự động; Sử dụng vòm che nilon và màng che là vải không dệt. Các điểm tham gia mô hình chủ yếu sản xuất rau cải ăn lá, bắp cải vụ đông. Hộ tham gia mô hình đã được tập huấn kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, được lấy mẫu rau phân tích để cấp chứng nhận nên hiệu quả sản xuất rau đạt cao, rau không bị sâu bệnh và đảm bảo chất lượng an toàn với người tiêu dùng.

- Lĩnh vực chăn nuôi:

+ Trung tâm đã xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn thịt để sản xuất phân bón hữu cơ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Kim Bình, thành phố Phủ lý với quy mô 40 con, 2 hộ tham gia. Với mô hình này, hệ thống xử lý chất thải phát huy tác dụng, vừa có vai trò bể chứa, lắng đọng và phân hủy chất thải rắn trong chăn nuôi nhằm giảm tải cho hệ thống biogas. Đây là mô hình mới và khó, thời gian hoạt động của hệ thống còn ngắn và đối tượng lợn nuôi trong chuồng còn nhỏ, nên thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hộ điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý trong khâu thiết kế xây dựng để vận hành, đánh giá cụ thể kết quả của hệ thống cũng như rút kinh nghiệm công tác triển khai mô hình trong những năm tiếp theo. 

+ Để khắc thiệt hại nặng nề kinh tế của ngành chăn nuôi do dịch tả lợn Châu Phi, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời mô hình hỗ trợ thí điểm chuyển đổi vật nuôi sau dịch tả lợn Châu Phi, quy mô hỗ trợ 150.000 con bằng giống gà ri lai Dabaco tại 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục.

Do được theo dõi sát sao, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể trong từng giai đoạn sinh trưởng của gà, các hộ trong mô hình đã làm tốt công tác vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh theo quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học nên tỷ lệ sống của đàn gà đạt 95%, gà sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, độ đồng đều cao, ít dịch bệnh, trọng lượng bình quân đàn gà đạt 2,2 kg/con, giá bán 55.000 đồng/kg, đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi khoảng 3.910.000 đồng/100 con gà sau 4 tháng nuôi.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến nông quốc gia:

+ Mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAHP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng tại 2 điểm thị trấn Bình Mỹ - Bình Lục, xã Đồng Hóa - Kim Bảng, quy mô 10.000 con với 13 hộ tham gia. Tỷ lệ sống của gà đạt 97%, cao hơn so với phương thức nuôi truyền thống 3,7%, trọng lượng xuất bán 2,1 kg/con, giá bán trung bình 52.000 - 55000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế tăng 17% so với ngoài mô hình.

+ Mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu ở 4 điểm tại các huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng với tổng quy mô 2.100 con, thu hút 6 hộ tham gia. Đã lấy mẫu máu giám sát về bệnh dịch tả lợn và bệnh lở mồm long móng tại 5/6 cơ sở tham gia dự án, đạt trên 70%; có 5/5 cơ sở thuộc dự án đủ điều kiện về lấy mẫu sau tiêm phòng, để Chi cục Chăn nuôi - Thú y cấp chứng nhận cơ sở an toàn với bệnh dịch tả và bệnh lở mồm long móng trên lợn.

+ Mô hình cá – lúa tại 2 điểm xã Đồng Du - huyện Bình Lục và xã Mộc Nam - thị xã Duy Tiên, quy mô 03 ha, với 2 hộ tham gia. Sau hơn 7 tháng nuôi cho thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống bình quân đạt 73,1% (vượt yêu cầu 3,1%), khối lượng bình quân đạt 986 g/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, cho thu hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các năm sản xuất trước đây theo phương thức truyền thống của các chủ hộ trong mô hình.

+ Mô hình sử dụng hệ thống bể 4 ngăn để xử lý chất thải, sản xuất phân hữu cơ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại 2 hộ ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng với quy mô 2 hệ thống bể. Đến nay 2 hộ đã xây dựng xong hệ thống bể và các hạng mục công trình, đảm bảo theo đúng thiết kế đang để khô, sau đó sẽ đưa vào hoạt động. Khi đi vào vận hành sẽ lấy mẫu nước đầu vào, đầu ra để phân tích đánh giá chất lượng nguồn nước trước khi xả ra ngoài môi trường. Đồng thời, Trung tâm sẽ cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của mô hình trước khi nhân ra diện rộng.

Phát huy các kết quả của năm 2020, bước sang năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của UBND tỉnh, của ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khuyến nông phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Lê Thị Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam