Ghi nhận tại xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), ngay sau tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ gia đình đã huy động nhân lực tập trung gieo cấy lúa đảm bảo lịch thời vụ.  Với tư duy sản xuất lúa hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, vụ xuân năm nay, xã Bùi La Nhân đã mạnh dạn đưa giống lúa chất lượng cao ST24 vào sản xuất theo phương thức hữu cơ trên ruộng khai thác rươi cáy với diện tích 33 ha. So với các giống lúa khác thì đây là giống lúa thơm có đặc tính chịu mặn, thân cứng chống đổ ngã, phổ thích nghi rộng, nhất là thích nghi với vùng canh tác hữu cơ, đạt năng suất cao.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân Nguyễn Văn Linh cho biết: Do đây là lần đầu đưa giống lúa này vào gieo cấy nên ngay từ đầu, UBND xã Bùi La Nhân đã chỉ đạo bà con nông dân gieo mạ che phủ nilon để có cây mạ khỏe không bị ảnh hưởng do rét gây ra, đồng thời xuống cấy đúng lịch thời vụ khi cây mạ đủ tuổi. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh soạn quy trình sản xuất lúa hữu cơ, đồng hành giám sát quá trình sản xuất để xây dựng giá trị riêng cho thương hiệu gạo của xã để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Giai đoạn này cần phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sâu bệnh gây hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời
 

Tại huyện Thạch Hà, không khí bà con ra đồng sau tết càng nhộn nhịp hơn. Ngoài việc tỉa dặm chăm sóc lúa xuân bà con nông dân ở đây con tranh thủ trồng và chăm sóc các loại cây hoa màu, gieo trỉa lạc xuân để kịp tiến độ và khép kín diện tích như kế hoạch đã đề ra. Được biết, vụ Xuân năm nay, huyện Thạch Hà đưa vào gieo cấy 8.100 ha lúa, hơn 2.000 ha cây màu. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, những ngày sau tết, thời tiết đêm lạnh, ngày nắng có sương mù vào sáng sớm là điều kiện thích hợp cho nhiều loại dịch bệnh, sâu hại phát triển. Chính vì thế, việc thăm đồng thường xuyên trong thời gian này sẽ giúp bà con chủ động nắm chắc tình hình ruộng lúa của mình để có biện pháp xử lý. Hiện nay, cây lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng đẻ nhánh, huyện Thạch Hà đã cử cán bộ khuyến nông xuống từng xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bón phân, làm cỏ, lấy nước vào ruộng và cách phòng trừ dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh.

Người dân xã Thạch Văn đang tích cực xuống giống lạc để kịp thời vụ

 

Cùng với nhiều địa phương khác, những ngày này, bà con nông dân huyện Lộc Hà cũng đang tập trung ra đồng sản xuất vụ xuân 2021. Bà Phan Thị Hương - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Vụ xuân năm nay, huyện Lộc Hà có kế hoạch sản xuất 4.855 ha. Trong đó, 3.185 ha lúa, 1.091 ha lạc, 125 ha ngô, 290 ha rau đậu, còn lại là các loại cây trồng khác. Đến thời điểm này, diện tích lúa đã cấy đạt 96%; khoảng 85% diện tích lạc và 80 ha khoai lang, ngô, đậu đã được xuống giống". Hiện nay, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương ở Lộc Hà đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn để bà con sớm khép kín diện tích sản xuất theo kế hoạch. Qua đó sẽ phấn đấu hoàn thành việc gieo trỉa lạc, cấy trước ngày 28/2; chuẩn bị xuống giống đậu, ngô và phấn đấu xong trước ngày 10/3.

Theo kế hoạch, vụ Xuân 2021 toàn tỉnh gieo cấy hơn 59.000 ha lúa. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương thực hiện theo hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng và thời vụ đã ban hành; bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp; đồng thời, mở rộng tối đa diện tích trà lúa Xuân muộn với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, có tiềm năng năng suất cao. Đối với cây lúa, sản xuất đúng thời vụ, chăm bón đúng cách là rất cần thiết bởi sẽ trực tiếp quyết định đến an ninh lương thực.

Riêng diện tích lạc xuân, năm nay toàn tỉnh có kế hoạch gieo trỉa hơn 12.500 ha, với cơ cấu các giống lạc cao sản như L14, L19 và L22. Đây là các giống lạc sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh và cho năng suất cao. Tuy nhiên đến nay mặc dù thời tiết khá thuận lợi nhưng tiến độ gieo trỉa vẫn còn đạt thấp. Toàn tỉnh mới gieo trỉa được gần 7.000 ha, nghĩa là mới chỉ đạt 60% kế hoạch. Trong khi đó thời vụ lạc xuân đã vào giai đoạn gieo trỉa tập trung và phấn đấu, toàn bộ diện tích sẽ kết thúc trước tháng 2 năm 2021. Điều này càng đòi hỏi bà con phải khẩn trương hơn, nhất là phải tranh thủ tối đa những khoảng thời gian khô ráo sau thời gian nghỉ tết để sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, song song với việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất cây trồng vụ xuân, bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo đủ nước cho cây lúa phát triển. Các địa phương chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng, chống dịch hại, nhất là công tác điều tra, dự báo, bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng một cách chính xác, kịp thời, giúp nông dân chủ động trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh./.

Nguyễn Hoàn

Trungb tâm Khuyến nông Hà Tĩnh