Theo đó, kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2018 toàn tỉnh gieo cấy 58.300 ha, năng suất dự kiến 57 tạ/ha, sản lượng 332.300 tấn; Cây rau màu hè thu kế hoạch gieo trồng 9.300 ha, trong đó rau các loại 6.500 ha, cây chất bột 500 ha, cây công nghiệp và cây khác 2.300 ha; Vụ đông 2018-2019 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 21.500 ha. Trong đó, diện tích rau các loại 18.000 ha (cây rau chủ lực: hành, tỏi củ 6.000 ha; cà rốt 1.200 ha; bắp cải, su hào, súp lơ 4.000 ha; khoai tây 1.000 ha); ngô 2.000 ha; cây khác 1.500 ha, giá trị sản xuất theo giá thực tế dự kiến ước đạt  2.866 tỷ đồng, bình quân 135 triệu đồng/ha.

Để thực hiện tốt kế hoạch, Sở NN tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp, trong đó: tập trung thực hiện các giải pháp về cơ cấu trà, giống, phương thức gieo cấy và chăm sóc cho lúa mùa, mở rộng diện tích rau màu vụ hè thu để có đủ diện tích chủ động cho gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch; tăng diện tích cây vụ đông sớm; tăng cường chỉ đạo nông dân liên kết trồng rải vụ, không trồng dồn dập cùng đợt để tránh rớt giá; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất có hợp đồng bao tiêu sản phẩm và sản xuất rau an toàn. Thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, “sáng lúa, chiều cây vụ đông” để đảm bảo khung thời vụ thích hợp cho từng loại cây trồng. Trên chân đất bãi ngoài đê, chân trồng cây rau màu hè thu ưu tiên gieo trồng cây ưa ấm, cây vụ đông sớm, trồng càng sớm càng tốt.

Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Phòng và các cơ quan chuyên môn của Sở, UBND huyện, thành phố, thị xã chấp hành nghiêm lịch chỉ đạo thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh; Lựa chọn đưa vào cơ cấu của huyện, thành phố, thị xã từ 5-7 giống lúa trong các giống chủ lực của tỉnh, tuyệt đối không đưa vào cơ cấu và chỉ đạo gieo cấy các giống lúa ngoài cơ cấu của tỉnh; Tăng cường chỉ đạo sản xuất và nhân rộng mô hình “một vùng, một giống, một thời gian”, quy mô 30 ha/vùng trở lên; Đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu tập trung, hạn chế bỏ ruộng, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; Tăng cường chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông sản rải vụ, sản xuất theo hợp đồng từ đầu vụ, sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và chứng nhận theo GAP, xây dựng nhãn hiệu và truy suất nguồn gốc nông sản qua mã QR, đặc biệt là rau; Hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để thương lái, doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản của địa phương; Làm tốt công tác cung cấp nước cho làm đất, gieo cấy, tưới dưỡng cho lúa và rau màu; tiêu úng kịp thời khi có mưa, bão, úng; Chỉ đạo, làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; Điều tra, dự tính dự báo, tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đạt hiệu quả; Giống, phân bón, vật tư nông nghiệp chuẩn bị đủ số lượng, đảm bảo chất lượng kịp thời vụ cho sản xuất; Tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản, giống, vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng bán giống, vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

Trần Cảnh

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương