Qua báo cáo của chủ nhiệm dự án cho thấy cộng đồng dân cư sống trên khu vực hệ thống sông 3S chịu tác hại nặng nề của các đập thủy điện được xây dựng từ năm 2003 như: thiếu đất sản xuất, các dòng sông trở thành sông chết, thiếu nước sạch sinh hoạt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, kinh tế khó khăn nên thanh niên phải đi xa để kiếm sống...

Mục tiệu của dự án là nhằm tăng cường môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế của phụ nữ bằng cách nâng cao năng lực lãnh đạo và bảo vệ quyền lợi; Tăng cường năng lực cho phụ nữ bản địa để nâng cao tiếng nói của họ về tác động của các đập thủy điện. Dự án cũng đồng thời hỗ trợ cho công đồng thành lập nhóm và các chi phí duy trì hoạt động, tập huấn kỹ năng lãnh đạo, tư vấn thủ tục pháp lý,...

Kết quả nổi bật của dự án được tổng kết từ các Nhóm cộng đồng và chia sẻ về một số mô hình nông nghiệp có hiệu quả là:

1. Mô hình nuôi heo rừng (thôn Eatung – xã EaNa – huyện Krông Ana là mô hình nông nghiệp hiệu quả, liên quan đến sinh kế của người dân. Ngoài ra, nhóm còn kết hợp làm các mô hình nuôi trồng khép kín (VAC) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

2. Mô hình sản xuất rượu cần làm từ men lá rừng (buôn Trí A – huyện Buôn Đôn):  Kết quả Nhóm cộng đồng tại đây đã tạo được thương hiệu rượu cần Đông Kẹt Tí;  có trang web quảng bá sản phẩm.

3. Mô hình sản xuất hồ tiêu sạch (thôn Tân Phú – xã EaNuôi – huyện Buôn Đôn): Nhóm đã thành lập được hợp tác xã Tân Phú chuyên sản xuất kinh doanh hồ tiêu, cà phê sạch. Ưu điểm của mô hình là mua chung vật tư, tiếp cận được kỹ thuật mới, thành phẩm bán được giá. Nhóm đã ký hợp đồng với công ty phân bón Sông Gianh; Xây dựng được vốn hỗ trợ các thành viên; Thiết lập cầu nối giữa các tổ viên với các nhà khoa học; Xây dựng được mô hình tập huấn, thăm vườn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Thông qua một số kết quả đạt được, dự án đã giúp cho các nhóm cộng đồng động lực cùng phát triển; Chia sẻ và bảo vệ nguồn lợi tài nguyên môi trường; Thúc đẩy cộng đồng nhất là phụ nữ làm kinh tế góp phần nâng cao đời sống. Qua các mô hình kinh tế thành công của các Nhóm cộng đồng, bà con nông dân ở các địa phương khác có thể học hỏi để phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình. Trong khuôn khổ hội thảo còn có triển lãm ảnh do các nhóm cồng đồng tự chụp trong quá trình hoạt động. Kết quả có 11 ảnh trong 50 bức ảnh tham gia được ban tổ chức trao giải.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

Minh Huế 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia