Tại lớp tập huấn, các học viên đã được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc lợn nái sinh sản; kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc lợn thịt và một số bệnh thường gặp trên lợn. Bên cạnh trao đổi về lý thuyết, các học viên còn thảo luận nhóm về các chủ đề: các yếu tố nguy cơ gây dịch cho trại lợn, thực hiện an toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi và lợi ích của việc thực hiện an toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi lợn.

Sau 1,5 ngày học lý thuyết, các học viên được tham quan trại lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tục tại xóm Đồng Bến, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình với quy mô 5 lợn nái và 20 lợn thịt. Tại đây, các học viên được giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn của gia đình ông Tục về: cách chọn giống lợn nuôi sinh sản, chăm sóc lợn nái qua từng giai đoạn, nuôi lợn con; xác định giống lợn nuôi thịt, lập khẩu phần thức ăn cho lợn thịt, cách chăm sóc, nuôi dưỡng lợn thịt và cách phòng và trị một số bệnh thường gặp ở lợn của gia đình ông Tục được chia sẻ chi tiết cho đoàn tham quan.

Kết thúc lớp tập huấn, các học viên đã trang bị được những kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến, tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại địa phương. Từ đó thay đổi tư duy, cách làm của người dân trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đã gây hậu quả khá nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi, giúp người dân phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương./.

Phương Thúy

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình