Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, ngành

Quán triệt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hoạt động thông tin tuyên truyền năm 2016 tiếp tục được đổi mới và bám sát các định hướng của Bộ như: Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững trên các cây, con chủ lực; Liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt… các chủ đề về tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tập trung vào các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất như vụ xuân ấm, xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh, quản lý chất cấm trong chăn nuôi... Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trung tâm, sự vào cuộc có hiệu quả của các địa phương, đặc biệt là sự phối hợp của các đơn vị truyền thông, công tác thông tin tuyên truyền trên cả ba lĩnh vực in và phát hành ấn phẩm khuyến nông, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động tổ chức sự kiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:

1. Hoạt động in và phát hành ấn phẩm khuyến nông

Bản tin Khuyến nông Việt Nam đã biên tập, xuất bản và phát hành 16 số, với số lượng 7.000 bản/số, đăng tải gần 1.000 tin, bài. Thực hiện 3 số chuyên đề nhằm tuyên truyền kịp thời những vấn đề “nóng” của ngành như về phòng chống hạn mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi,... để hướng dẫn nông dân các vùng bị hạn hán khắc phục sản xuất. Tăng số lượng và đối tượng phát hành lên đến 4.310 địa chỉ (tăng 35% số địa chỉ gửi so với năm 2015). Trong đó, tập trung vào hệ thống khuyến nông từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã (chiếm 85% tổng số địa chỉ gửi, 83,2% số lượng in). Bản tin đã có mặt tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xã trong đó có 120 xã điểm nông thôn mới, trở thành cẩm nang cho nhiều bà con nông dân.

Xuất bản 12 ấn phẩm, tập trung vào nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, như: "Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016"; "Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2017"; "Hướng dẫn kỹ thuật phòng chống hạn cho cây cà phê, hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ"; "Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật khắc phục sau hạn hán cho cây cà phê, hồ tiêu vùng Tây Nguyên" ... Đổi mới hình thức thể hiện dễ tiếp cận như tờ gấp và poster (chiếm 83% số đầu ấn phẩm), giảm sách kỹ thuật và tài liệu tập huấn (17%); tăng số lượng phát hành tờ gấp 140.000 bản; poster 2.100, trong đó ưu tiên các địa phương gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh....

"Tủ sách Khuyến nông" tiếp tục được hoàn thiện, bà con và cán bộ khuyến nông cơ sở đã được tiếp cận thông tin mới, có thể tham khảo và áp dụng vào mô hình sản xuất gia đình. Đồng thời, qua chương trình này đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, dần hình thành thói quen đọc sách cho người nông dân. Thực hiện biên dịch và lồng tiếng 8 đĩa hướng dẫn kỹ thuật ra 2 thứ tiếng dân tộc Thái, Mông phục vụ các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống giúp họ tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. In sao 35 đầu đĩa, trong đó có 21 đầu đĩa bằng tiếng dân tộc thiểu số các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

2. Hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng

Năm qua, Trung tâm đã phối hợp với 22 cơ quan truyền thông đại chúng của Trung ương và ngành, tập trung tuyên truyền chủ trương tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền đặc biệt chú trọng đến các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, để hướng dẫn các đơn vị truyền thông tuyên truyền đúng định hướng, có trọng tâm, đúng thời điểm và mùa vụ, hàng tháng, hàng quý, Trung tâm đều gửi định hướng tuyên truyền cho các đơn vị phối hợp.

Trên truyền hình, đã phối hợp phát sóng 219 chương trình, đặc biệt là trên các kênh truyền hình  lớn gắn với nông nghiệp, nông thôn như: VTV2 với 67 số Chuyên đề “Nhịp cầu Khuyến nông”, Chuyên mục "Diễn đàn khuyến nông - Bạn của Nhà nông"; 120 số "Tạp chí Khuyến nông" trên kênh VTC 16 và các số Chuyên đề “Tiêu điểm kinh tế” trên Truyền hình thông tấn và Chương trình "Nông thôn đổi mới" trên truyền hình Nhân dân ... Các chương trình phát sóng vào các giờ "vàng" và được phát lại từ 2 đến 3 lần.

Trên sóng phát thanh đã phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam tuyên truyền 737 chương trình, trong đó 577 chương trình được phát sóng bằng 12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Bắc (Thái, Mông, Dao), Tây Nam bộ (Khơme), Miền Trung - Tây Nguyên (Cơtu, Êđê, Giarai, Bana, Xơ đăng, Kơho, Mơnông, Chăm). Tổng số thời gian phát sóng là 441 giờ trong đó có 147 giờ phát mới.

Riêng trên các báo in, tạp chí, báo điện tử và các trang tin điện tử đã xây dựng các chuyên trang, chuyên đề "khuyến nông". Hàng ngàn bài viết trên các báo chuyên ngành như Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Kinh tế Nông thôn... hay các thông tin trên các trang điện tử Agroviet.gov.vn, danviet.vn, kinhtenongthon.com.vn,  vov4.vov.vn đã cập nhật tiến bộ kỹ thuật nhanh hơn; chủ trương, chính sách, các mô hình, điển hình tiên tiến được bà con biết đến kịp thời hơn.

Trang web Khuyến nông Việt Nam (khuyennongvn.gov.vn) ngày càng được bạn đọc biết đến nhiều hơn. Với 3.400 tin, bài, ảnh; 32 chuyên mục, thu hút trên 2,5 triệu lượt người truy cập, trang web trở thành công cụ tương tác nhanh, kịp thời, hiệu quả giữ các đơn vị trong hệ thống khuyến nông, các cán bộ kỹ thuật cũng như bà con nông dân. Năm qua, trang web tiếp tục đẩy mạnh cập nhật thư viện điện tử với 216 đầu sách, đĩa hình xem và tải trực tiếp, có những đĩa hình thu hút 1.700 lượt xem, đầu sách kỹ thuật 500 lần tải xuống.

3. Hoạt động tổ chức sự kiện khuyến nông

Là hoạt động nổi bật luôn thu hút sự quan tâm của các cả 4 nhà: các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, hoạt động tổ chức sự kiện khuyến nông ngày càng có sự đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, sát với thực tế. Năm 2016, Trung tâm đã tổ chức tổ chức 32 sự kiện, trong đó có 21 diễn đàn, 2 hội thi và 8 hội chợ.

Các diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 167 tỉnh/thành (tăng 12%) với 6.042 đại biểu (tăng 15%) trong đó 3.670 nông dân sản xuất (tăng 10%), đã có 778 câu hỏi được trao đổi tại các Diễn đàn. Chủ đề của các Diễn đàn luôn theo sát định hướng của Bộ, ngành, thời vụ và những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết của sản xuất nông nghiệp của từng vùng, miền như: "Ứng phó với biến đổi khí hậu; khôi phục sản xuất sau thiên tai", "Quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản", "Liên kết tiêu thụ", "Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới".

Thông qua Diễn đàn KN@NN, cán bộ khuyến nông và bà con nông dân được tham quan mô hình để áp dụng vào sản xuất

Hai Hội thi tại 2 miền Bắc và Nam với chủ đề "Thao giảng khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp" và "Hội thi tuyên truyền viên khuyến nông giỏi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp" đã kịp thời động viên và tôn vinh những giảng viên, các tuyên truyền viên khuyến nông giỏi - những hạt nhân trong hoạt động đào tạo huấn luyện và thông tin tuyên truyền khuyến nông. Các hội thi đã thu hút 1.037 đại biểu (tăng 72% so với kế hoạch), 228 thí sinh của 19 tỉnh/thành phố tham dự.  

Tám Hội chợ triển lãm nông nghiệp - Thương mại  được tổ chức tại 7 vùng sinh thái đã giúp nông dân tiếp cận thị trường, trao đổi hàng hóa, tham gia các cuộc hội thảo hoặc tư vấn phát triển sản xuất. Các hội chợ có sự tham gia của 1.203 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia, với khoảng 2.515 gian hàng, trong đó có 607 gian trưng bày giới thiệu về thành tựu phát triển nông nghiệp, thu hút khoảng 288.000 lượt khách đến thăm quan và mua sắm tại các Hội chợ.

Phát huy những kết quả đạt được của năm 2016, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông năm 2017 với mục tiêu bám sát định hướng của Bộ và ngành phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành, tập trung vào 3 trục sản phẩm gồm: sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành và sản phẩm đặc sản vùng/miền; Nâng cao giá trị gia tăng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển cây con chủ lực - tận dụng lợi thế vùng miền, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hội nhập. Phổ biến kiến thức kỹ thuật, áp dụng công nghệ phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa phương; xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

ĐỖ PHAN TUẤN

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia