Với sự tham gia của trên 40 thành viên Mạng lưới Một sức khỏe Việt Nam như: Vụ Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Thú y, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam); Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Hội Chăn nuôi Việt Nam (VAHA), Trung tâm hợp tác Quốc tế về nghiên cứu phát triển nông nghiệp (CIRAD); Trung tâm y tế dự phòng (Bộ y tế); Đại học Y tế công cộng, tổ chức USAID tại Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Vấn đề thức ăn và môi trường chăn nuôi đang được Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm. Bên cạnh việc trị bệnh thì công tác phòng bệnh là hết sức quan trọng, nếu quản lý tốt khâu này sẽ làm giảm hiện tượng kháng kháng sinh và nguy cơ dịch bệnh truyền lây sang con người.

TS. Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khai mạc và chủ trì hội thảo

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ kết quả và kinh nghiệm thực hiện các hoạt động. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình báo cáo các hoạt động theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe” như triển khai xây dựng các mô hình, đào tạo và thông tin tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học, nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, ong mật chất lượng cao... Các mô hình dựa trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, chăn nuôi một số loại vật nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của địa phương và các tỉnh bạn, tiến tới xuất khẩu.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình trình bày báo cáo tại Hội thảo

Đại diện của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế chia sẻ các nội dung về: Hướng đến thịt lợn an toàn và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam thông qua việc quản lý tốt hơn các bệnh ký sinh trùng trên lợn; Tiếp cận Một sức khỏe đa lĩnh vực, xuyên biên giới để kiểm soát bệnh dại trong khu vực Đông Nam Á; Tìm hiểu về việc chăn nuôi tại đô thị làm tăng nguy cơ các dịch bệnh truyền lây tại thành phố Hà Nội; Kiểm tra mức độ kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh; Tăng cường hiểu biết về cách sử dụng kháng sinh trong chiến lược sinh kế của các hộ sản xuất nhỏ và các mạng lưới thú y, tăng cường quản lý thuốc kháng sinh tại Thái Nguyên.

Đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế trình bày báo cáo

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi lợn áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và mạng lưới thú y cộng đồng, có truyền thông tại địa phương theo hướng tiếp cận “Một sức khoẻ”.

Kết thúc Hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh đã đánh giá cao kết quả hoạt động của các đơn vị trong Mạng lưới Truyền thông “Một sức khỏe”, nhấn mạnh nhiệm vụ trong quý 2 năm 2018. Bà đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế để tiếp tục công tác phòng chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời bà đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với OHCN để mở thêm nhiều lớp tập huấn cho bà con tập trung vào các vấn đề phòng trừ dịch bệnh từ chuồng trại, thức ăn, con giống; đẩy mạnh công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh, hướng tới “Một sức khỏe”.

Liên Hương – Quảng Bình