Có hai cuộc họp kỹ thuật là cuộc họp tổ công tác về vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ công tác về tiêu chuẩn ASEAN - GAP cho ca cao diễn ngày 18/5/2015 làm cơ sở để báo cáo cho cuộc họp chính thức ACC19.

Đại biểu các nước tham dự ACC19 tại Indonesia 

Cuộc họp kỹ thuật của tổ công tác về sinh an toàn thực phẩm cho ca cao tập trung vào những điểm chính là các biện pháp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng cường các biện pháp IMP trong canh tác cao cao. Về chế biến bảo quản ca cao, cuộc họp thống nhất một số quan điểm về hoạt chất Ochratoxin A (OTA). OTA là độc tố chuyển hóa từ một loại nấm độc trong quá trình chế biến hạt ca cao (lên men, sấy khô, cũng như trong quá trình bảo quản vận chuyển sản phẩm). Tổ chức Ung thư thế giới phân loại OTA là độc tố thuộc nhóm 2B - một chất gây ung thư cho con người nếu như thành phần độc tố này vượt quá ngưỡng 100mg/kg hạt ca cao. Vấn đề này đã được đưa ra tại phiên họp năm 2015 và năm nay tiếp tục chỉnh sửa và đưa vào qui định để trình lên cấp cao hơn, từ đó làm cơ sở để các nước thành viên có được hướng dẫn sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho ca cao. Đại diện nhóm kỹ thuật đã dự thảo qui định vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua năm 2015 tại Thái Lan. Năm nay (2016) bản qui định này lại tiếp tục thảo luận để hoàn thiện trước khi trình cấp cao hơn thẩm định và phê duyệt. Theo đó, nhiều nước đã đóng góp ý kiến về ngưỡng OTA cho phép/kg hạt ca cao đảm bảo sản phẩm đáp ứng được nhu cầu các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới nhưng tạo điều kiện để sản phẩm hạt ca cao của các nước thành viên có thể xuất khẩu được.

Toàn cảnh cuộc họp

Cuộc họp lần thứ 6 Tổ công tác kỹ thuật thuộc Câu lạc bộ ca cao ASEAN tổ chức ngày 18/5/2016 với sự tham gia của 12 đại biểu đến từ các nước Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Thái Lan, Sing-ga-po. Tổ công tác kỹ thuật về GAP cho ca cao đã hoàn thiện bộ tiêu chuẩn GAP cho ca cao. Việt Nam đóng góp quan điểm về các tiêu chuẩn kỹ thuật cho GAP và một số giải pháp để qui định này có thể áp dụng cho các nước thành viên. Các thành viên nhóm đã đồng ý nội dung bản thảo để báo cáo ASEAN hòa đồng tiêu chuẩn ASEAN năm 2016, bản dự thảo này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ASEAN GAP cho rau quả tươi và tài liệu hướng dẫn các phương thức canh tác ca cao của ICCO (Tổ chức Ca cao Quốc tế). Nội dung chính của qui trình gồm: Lịch sử và quản lý địa điểm trồng; Giống; Phân bón và chất phụ gia; Nước tưới; Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Kỹ thuật canh tác; Chế biến và quản lý chất thải; Quản lý thông tin, truy tìm nguồn gốc và thu hồi sản phẩm. Đối với nội dung về vệ sinh, an toàn lao động sẽ được qui định chung cho một số loại sản phẩm khác. Các nước thành viên đã tích cực tham gia góp ý bản thảo này.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại cuộc họp 

Cuộc họp phiên toàn thể Câu lạc bộ Ca cao ASEAN lần thứ 19 được tổ chức ngày 19-20/5/2016 với sự tham gia của 32 đại biểu đến từ các nước Ma-lay-xi-a, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Thái Lan, Sing-ga-po và Việt Nam. Chủ tọa phiên họp là chủ tịch của Tổ chức Malaysia Cocoa Board và đại diện nước chủ nhà Bộ Nông nghiệp In-đô-nê-xi-a.

Hai bản dự thảo về tiêu chuẩn ASEAN GAP cho ca Cao và qui định kỹ thuật cho ca cao nhằm giảm thiểu OTA trong sản phẩm ca cao được đưa ra để cuộc họp góp ý thông qua trước khi hòa đồng vào tiêu chuẩn ASEAN về sản xuất ca Cao. Hai bản dự thảo này dự kiến sẽ được trình và ban hành để thực hiện trong khối ASEAN từ 2016.

Ngoài ra đại diện cho Câu lạc bộ, Malaysia COCOA Board đã điểm lại tình hình sản xuất ca cao trong năm qua, theo đó In-đô-nê-xi-a có sản lượng ca cao lớn nhất Đông Nam Á. Sau đó là Ma-lay-xi-a, mặc dù nước này có sản lượng ca cao thấp hơn so với In-đô-nê-xi-a nhưng do áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến nên hiện tại Ma-lay-xi-a là nước hàng đầu Đông Nam Á xuất khẩu sản phẩm chế biến từ ca cao. Việt Nam là nước có sản lượng hạt ca cao không lớn (6.777 tấn hạt năm 2015, diện tích ca cao năm toàn quốc năm 2015 chỉ còn 11.229 ha).

Cuộc họp đã trao đổi thông tin về tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ca cao, trong đó có tiến bộ về giống. Theo đó Ma-lay-xi-a đã lai tạo được một số dòng ca cao lai F1 cho năng suất đến 4,5 tấn hạt/ha trong ô thí nghiệm, một số dòng lai khác đã khảo nghiệm cho năng suất 2-3 tấn/ha. Hiện tại đã có dự án trao đổi giống mới trong các nước thành viên, Việt Nam tham gia dự án này từ năm 2013.

Tại phiên toàn thể, đại biểu đã thảo luận chiến lược hợp tác trong khối ASEAN - từ 2016 đến 2020 trên quan điểm phát triển ca cao bền vững gồm một số nội dung chủ yếu như tăng cường hợp tác kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm ca cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, khuyến khích phát triển ca cao, giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất ca cao, theo đó nâng cao nhận thức để khách hàng nhận thức và sử dụng sản phẩm ca cao, trao đổi chuyên gia, chia sẻ thông tin trong khối, đặc biệt sẽ quan tâm đến nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, người sản xuất, chế biến ca cao thông qua tập huấn hàng năm do các nước tổ chức.

Hội nghị đã thông qua toàn bộ nội dung họp đề cập trên đây, đồng thời đề xuất Phi-lip-pin là nước đăng cai tổ chức hội nghị ASEAN lần thứ 20. Tuy nhiên các đại biểu Phi-lip-pin chưa trả lời chính thức, vấn đề này cần báo cáo lên cấp cao hơn của Phi-lip-pin và trả lời văn bản sau cho Ban tổ chức. Hội nghị kết thúc tốt đẹp vào chiều ngày 20/5/2016 sau chuyến đi thăm hiện trường trong không khí hợp tác phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển ca cao bền vững vùng Đông Nam Á.

Toàn cảnh cuộc họp phiên toàn thể

TS Nguyễn Viết Khoa

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia