Theo kế hoạch năm 2015, 57 lớp tập huấn về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành cho hơn 1700 cán bộ khuyến nông các cấp, cộng tác viên khuyến nông được triển khai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó trung tâm khuyến nông 13 tỉnh/TP triển khai thực hiện 41 lớp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện 17 lớp (Văn phòng thường trực tại Nam Bộ triển khai 7 lớp, Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp tại Nam Bộ triển khai 10 lớp tập huấn). Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện chung đạt 80%, đã có 9 đơn vị triển khai tập huấn xong, 4 đơn vị triển khai đạt trên 50% kế hoạch, 2 đơn vị thực hiện dưới 50% kế hoạch được giao. Ngoài ra 01 đoàn tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả tại các tỉnh Đông Bắc sẽ được triển khai tháng 11/2015 cho 25 cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông.

Trong quá trình triển khai thực hiện, một số đơn vị còn dư kinh phí và đã điều chỉnh tăng quy mô nâng tổng số lớp đào tạo cho vùng đồng bằng sông Cửu Long lên 58 lớp tập huấn trong đó chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng trọt và thủy sản (chiếm 94,83%).

TS. Phan Huy Thông – Giám đốc TTKNQG giảng bài

tại lớp đào tạo giảng viên cấp quốc gia cho các học viên 

vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ

Ngay từ khi xây dựng kế hoạch đào tạo khuyến nông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kiên quyết chỉ đạo đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông phù hợp với định hướng tái cơ cấu của ngành và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2015 triển khai 3 lớp tập huấn ToT cấp quốc gia cho 180 học viên tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Nội dung tập huấn được tích hợp giữa học phương pháp kỹ năng tập huấn khuyến nông với tập huấn chuyên ngành, giảm thời lượng lớp tập huấn ToT từ 5 ngày xuống 3 ngày so với những năm trước.

Đánh giá về sự đổi mới trên, hầu hết Trung tâm khuyến nông 13 tỉnh/TP đều cho rằng lớp tập huấn đào tạo giảng viên cấp quốc gia thật sự cần thiết và hữu ích đối với cán bộ khuyến nông. Tại các lớp tập huấn, cán bộ khuyến nông được tiếp thu, cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới, được rèn luyện, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Từ đó có thể chủ động xây dựng được chương trình, kế hoạch bài giảng và áp dụng phương pháp, kỹ năng giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho bà con nông dân, mang lại chất lượng cao cho quá trình tác nghiệp của mình sau này. Việc lồng ghép nội dung về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành được đa số các đơn vị đồng thuận, các cán bộ khuyến nông tham gia tập huấn ủng hộ. Các lớp học này  bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm thời gian, chi phí,…

Tập huấn ToT bối dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nuôi ngao giống tại Bến Tre

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu cho rằng cần tập trung đào tạo cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã; nên tách riêng từng đối tượng học viên để đảm bảo độ trình độ đồng đều giữa các học viên; cần kiểm tra trình độ học viên trước và sau tập huấn để thấy rõ hiệu quả và bổ sung thêm các tài liệu về các cây con chủ lực cho vùng theo phương pháp thực hành FFS tại hiện trường.

Vấn đề về kinh phí và cơ chế chính sách tài chính cho lớp tập huấn cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm. Theo các đại biểu, việc cấp kinh phí lần 1 như hiện nay sẽ không đủ kinh phí cho các đơn vị triển khai lớp học đầu tiên, mức hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại cho học viên thấp so với thực tế.

Kế hoạch đào tạo huấn luyện khuyến nông năm 2016 cho vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ dựa trên định hướng phát triển của ngành và nhu cầu thực tiễn của sản xuất nông nghiệp địa phương. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng khung kế hoạch cho từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, tiếp tục triển khai các lớp đào tạo giảng viên cấp quốc gia với thời gian 6 ngày/lớp và thời gian cho lớp đào tạo cho lớp cán bộ khuyến nông các cấp là 3-4 ngày/lớp. Chủ đề về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành vẫn sẽ được tích hợp trong mỗi lớp tập huấn.

Bế mạc Hội nghị, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, chiến lược đào tạo tập huấn đến năm 2020 sẽ phổ cập kiến thức về nghiệp vụ khuyến nông cho toàn bộ cán bộ khuyến nông các cấp và yêu cầu Trung tâm khuyến nông các tỉnh/TP cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đào tạo khuyến nông từ nguồn  kinh phí khuyến nông Trung ương và địa phương. Trước mắt, năm 2016 tập trung đào tạo tập huấn theo định hướng tái cơ cấu của ngành và các vấn đề ưu tiên cho vùng như: kỹ thuật đồng bộ và liên kết sản xuất trong canh tác lúa chất lượng, gói kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến (IPM, SRI, ICM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm…), kiến thức về tổ hợp tác sản xuất, GAP trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản,... để tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở nhằm đào tạo lại nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nông thôn mới và phát huy thế mạnh của từng địa phương.

Thanh Huyền - KNQG