Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các tổng cục, cục, viện, trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNN, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phía Bắc.

Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất vụ đông 2016 đạt khoảng 407 nghìn hecta, giảm 7 nghìn hecta so vụ đông 2015 và 20 nghìn hecta theo kế hoạch. Trong đó, hầu hết các loại cây trồng chính (ngô, đậu tương, khoai lang…) đều giảm diện tích so với 2015. Cụ thể: ngô giảm 12 nghìn hecta, đậu tương giảm 6 nghìn hecta, khoai lang giảm 4 nghìn hecta… trong khi đó diện tích rau, đậu các loại lại tăng khoảng 10 nghìn hecta. Tuy không đạt chỉ tiêu về diện tích so kế hoạch và so với vụ đông 2015 nhưng tổng sản lượng cây vụ đông 2016 đạt 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 500 nghìn tấn so vụ đông 2015.

Cũng theo đánh giá của Cục Trồng trọt, tuy diện tích sản xuất cây vụ đông giảm, nhưng tổng giá trị cây vụ đông 2016 lại đạt tương đối cao: khoảng 25 nghìn tỉ đồng, tăng so năm 2015 khoảng 2,7 nghìn tỉ đồng. Về giá sản phẩm các cây trồng chủ lực trong vụ đông 2016 (như ngô, đậu tương, khoai tây) đều thấp hơn năm 2015; các cây trồng khác (khoai lang, lạc, rau đậu các loại) lại có giá ồn định, tương đương và cao hơn so vụ đông 2015.

 Góp phần cho sự gia tăng về giá trị sản phẩm cây vụ đông 2016 được Cục Trồng trọt đánh giá là do xác định được tầm quan trọng của vụ đông nên hầu hết các tỉnh, thành đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất cây vụ đông như: hỗ trợ người sản xuất về kinh phí mua giống, thiết bị máy móc, vật tư sản xuất, tập huấn kỹ thuật, tổ chức liên doanh, liên kết sản xuất… Bên cạnh đó, các địa phương đã định hướng, duy trì và nhân rộng những mô hình hiệu quả trong vụ đông 2016. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao (50 - 400 triệu đồng/ha) và các mô hình xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, như các mô hình trồng bí xanh, khoai tây, khoai sọ, dưa chuột, ớt, cà chua, cà rốt, hành, tỏi, ngô thực phẩm và ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi… Có nhiều mô hình sản xuất theo hướng mới như sản xuất theo hướng hàng hóa, có quy mô lớn, các cây trồng có giá trị thu nhập cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định. Một số tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng lan rộng tại các tỉnh phía Bắc góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cũng như giảm áp lực về thời vụ như: Kỹ thuật trồng đậu tương, khoai tây, ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu; Kỹ thuật rẽ lúa đặc bầu trồng bí, dưa khắc phục thời vụ được sớm hơn khoảng 10 ngày; Kỹ thuật che phủ nilon trong trồng lạc, dưa, bí… giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại, giúp cho cây mọc đều, sinh trưởng phát triển tốt; Biện pháp tưới nước tiết kiệm, sử dụng khum che nilon được áp dụng trên diện tích sản xuất cây giống, rau các loại…

Đứng trước thách thức về diện tích sản xuất vụ đông giảm liên tục qua các năm gần đây, ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương vẫn đặt ra chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2017 phấn đấu đạt 410 nghìn hecta (tăng khoảng 10 nghìn hecta so vụ đông 2016), với sản lượng dự kiến là 4,8 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt 26-28 nghìn tỉ đồng, với trung bình giá trị sản xuất đạt 65 – 70 triệu đồng/ha.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những cố gắng của các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương đã thực hiện thắng lợi vụ đông 2016 trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng khẳng định Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của địa phương, đơn vị và thể hiện sự quyết tâm triển khai thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ đông 2017. Thứ trưởng lưu ý những giải pháp cho vụ đông 2017 như sau:

1. Các địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất cây vụ đông. Chính quyền địa phương các cấp cần có chủ trương, chỉ đạo quyết liệt và có những chính sách cụ thể để phát triển sản xuất cây vụ đông. Các tỉnh nên có kế hoạch sản xuất, chủ động triển khai sớm công tác chuẩn bị sản xuất.

2. Về mùa vụ, cần lưu ý 3 đối tượng cây trồng trong vụ đông: nhóm cây ưa ấm, nhóm cây trung tính và nhóm cây ưa lạnh để bố trí mùa vụ hợp lý. Đối với cây ưa ấm, đặc biệt là cây ngô nên bố trí gieo trồng kết thúc vào cuối tháng 9, không nên trồng sang tháng 10.

3. Về áp dụng công nghệ và cơ cấu cây trồng, cần có định hướng mở rộng một số chủng loại cây trồng có thị trường và có giá trị kinh tế cao, có sức tiêu thụ tốt; mở rộng áp dụng các quy trình, công nghệ sản xuất tiên tiến đã và đang áp dụng trong vụ đông 2016. Chú ý cơ cấu cây trồng cần phù hợp với các địa phương ven biển.

VŨ THỊ THUỶ

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia