Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ngành Nông nghiệp của 10 tỉnh trồng điều lớn thuộc vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, các huyện của tỉnh Bình Phước, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, một số doanh nghiệp sản xuất chế biến điều và đại diện bà con nông dân trồng điều của tỉnh Bình Phước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích điều của cả nước năm 2017 là 337.143 ha, tăng 4.410 ha so với năm 2016. Tuy vậy nhìn lại 8 năm gần đây thì diện tích điều liên tục giảm, cao điểm đạt 440 nghìn ha vào 2007 đến 2015 chỉ còn 290 nghìn ha. Năng suất điều giao động trên dưới 1,0 tấn/ha. Năm 2017 năng suất điều giảm còn 0,71 tấn/ha do mưa trái vụ và sâu bệnh hại phát triển. Sản lượng điều thô hàng năm đạt khoảng 300 nghìn tấn, chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến hạt điều của các doanh nghiệp trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam đã vươn tới trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3,516 tỷ USD với sản lượng 353,2 nghìn tấn hạt điều, giá trị tăng 23,8% so với năm 2016. Giá hạt điều của thế giới và Việt Nam tăng liên tục 5 năm gần đây tạo điều kiện cho cây điều phát triển tốt.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu một số hạn chế chính của ngành điều Việt Nam hiện nay là: xuất khẩu tăng nhanh nhưng thiếu bền vững do tỷ lệ điều nguyên liệu nhập khẩu cho chế biến cao; vùng nguyên liệu ngày càng giảm; công tác nghiên cứu về cây điều còn rất hạn chế kể cả về giống và kỹ thuật canh tác; liên kết sản xuất điều theo chuỗi giá trị còn ngắn.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu nêu một số vấn đề cấp thiết cho phát triển điều hiện nay là: Đẩy mạnh tuyển chọn giống, cây đầu dòng phù hợp cho từng vùng sản xuất, hoàn thiện quy trình thâm canh, đặc biệt các biện pháp tạo tán tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại và ứng phó với cực đoan của thời tiết; Tổ chức sản xuất nông dân theo hướng liên kết cùng sản xuất theo quy trình, chứng nhận sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp; Xây dựng thương hiệu điều của doanh nghiệp và tăng cường chế biến sâu hơn để tăng giá trị; Đề xuất những chính sách hỗ trợ sản xuất…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá điều là cây trồng có nhiều lợi thế về thị trường, thích ứng rộng, phát triển ở vùng đồi góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi. Sản xuất và chế biến điều thời gian qua đã có nhiều thành tựu nhưng cũng còn nhiều rủi ro do tỷ lệ nguyên liệu chế biến phải nhập khẩu đến trên 70%; cạnh tranh từ các nước khác là rất lớn. Điều là cây trồng có tính cạnh tranh cao và có thể khẳng định phát triển tốt trong thời gian tới khi chúng ta áp dụng động bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức sản xuất chặt chẽ khoa học hơn và tăng cường khâu chế biến sâu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng yêu cầu:

- Định hướng phát triển tổng thể ngành điều sẽ theo hướng không tăng diện tích mà duy trì khoảng 300 nghìn ha nhưng đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng điều dựa trên các khâu hợp lý về quy trình canh tác, tổ chức sản xuất, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng.

- Cần xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế điều cấp bộ và cấp địa phương để thực hiện dựa trên 2 nguyên lý cơ bản là tín hiệu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Bộ và các địa phương cần tăng cường hơn nữa về nguồn lực cũng như chỉ đạo sản xuất phát triển điều, Hiệp hội Điều Việt Nam cùng các doanh nghiệp chung tay đầu tư cho ngành điều phát triển bền vững.

TS. Trần Văn Khởi

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia