Tham dự hội nghị có ngài Arie Veldhuizen - Tham tán Nông nghiệp sứ quán Vương quốc Hà Lan, ông Nguyễn Văn Trọng - phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đại diện của Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và 40 đại biểu là đại diện của Sở Nông nghiệp và PTNT của 5 tỉnh tham gia dự án.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của các đơn vị liên quan. Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi tại Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiền Phong và cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á thuộc công ty An Hạ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2015 và 2016, các đơn vị tham gia dự án đã hoàn thành các nội dung đề ra theo đúng tiến độ của dự án. Theo đó:

Cục Chăn nuôi đã điều tra khảo sát về thực trạng chuỗi thịt lợn bao gồm các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, bán buôn và bán lẻ. Kết quả đã phác họa được bức tranh tổng thể trong chuỗi thịt lợn, thiết lập được sơ đồ chuỗi thịt lợn, các mối quan hệ mắt xích trong chuỗi thịt lợn Việt Nam. Cục Chăn nuôi cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức hội thảo lấy mẫu để kiểm tra chất cấm, chất tồn dư gây mất an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Tổ chức thăm quan học tập tại Hà Lan cho 5 cán bộ quản lý và 8 đại diện của doanh nghiệp về công nghệ chăn nuôi, giết mổ và chế biến và phân phối theo chuỗi giá trị; Tổ chức thăm quan cho 7 cán bộ tại Đài Loan để tìm hiểu quá trình chuyển đổi trong chuỗi thịt lợn của Đài Loan; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho 9 cán bộ tư vấn chăn nuôi và khuyến nông về quản lý lợn hiện đại và kỹ năng chuyển giao kiến thức về chăn nuôi lợn hiện đại tại Hà Lan; Tổ chức Hội thảo: “Thực trạng an toàn thực phẩm trong chuỗi thịt lợn Việt Nam và mô hình quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi thịt lợn Hà Lan”; Tổ chức Hội thảo về quản lý lợn hiện đại và thực hiện VietGAHP và chăn nuôi lợn hiện đại ở Hà Lan.

Cục Thú y tổ chức hội thảo tập huấn kiểm soát bệnh tai xanh, lở mồm long móng và dich tả lợn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Tổ chức 03 lớp tập huấn về “Đào tạo thú y viên về kiểm soát giết mổ, kỹ thuật lấy mẫu thịt lợn để giám sát an toàn thực phẩm” tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; Tổ chức lớp tập huấn về giám sát dựa vào nguy cơ các bệnh lở mồm long móng, tai xanh và dịch tả lợn.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho thú y viên và cán bộ Khuyến nông để khuyến cáo ngăn chặn các chất cấm, chất tồn dư vào chuỗi thực phẩm bằng cách kiểm tra, xác nhận công đoạn chăn nuôi của chuỗi; Tổ chức 02 lớp tập huấn về VietGAHP trong chăn nuôi lợn cho các trang trại chăn nuôi lợn. Qua tập huấn đã góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi lợn và nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y và các chủ trang trại chăn nuôi lợn của 24 tỉnh thành.

Thành phố Hà Nội, thông qua các hoạt động nâng cao chuỗi giá trị thịt lợn tại cả 3 khâu chăn nuôi – giết mổ- tiêu thụ đã hình thành được 9 chuỗi liên kết chăn nuôi- tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Hàng ngày các chuỗi cung cấp cho thị trường 25,4 tấn thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các các ràng buộc hợp đồng rõ ràng trách nhiệm giữa các nhóm tham gia chuỗi. Một số chuỗi đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng nắm rõ thông tin về sản phẩm cũng như giúp nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm của chuỗi.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thịt heo an toàn thuộc đề án mô hình chợ an toàn thực phẩm thí điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020. Kết quả có 1.131 cơ sở chăn nuôi tham gia thực hiện, trong đó có công ty TNHH dịch vụ An Hạ đầu mối thu mua giết mổ, có 409 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm..), 146 gian hàng kinh doanh thuộc hệ thống Vissan. Đồng thời triển khai 02 chợ đầu mối tại Hóc Môn và Bình Điền.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi cho biết, hiện nay chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn do giá bán xuống thấp nhất trong nhiều năm qua. Người chăn nuôi thua lỗ lớn đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng một số công ty, đơn vị sản xuất theo chuỗi, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và có hệ thống quản lý tốt với giá thành hạ vẫn duy trì được sản xuất. Thực tế cho thấy việc sản xuất theo chuỗi như các mô hình của dự án lợn (VIP) là đúng đắn và phù hợp với định hương phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại. Để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thịt lợn thì nhất thiết phải sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chăn nuôi lợn sẽ không ổn định và phát triển bền vững nếu thiếu liên kết trong chuỗi giá trị, kết quả của dự án sẽ giúp định hình những mô hình liên kết chuỗi thịt lợn Việt Nam. Đề nghị chính phủ Hà Lan tiếp tục tài trợ đề xây dựng kế hoạch tiếp theo của Dự án với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nguyễn Duy Điều

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia