Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị. Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc tham dự hội nghị.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị của Cục Chăn nuôi cho thấy, trong những năm qua chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển, gần đây có thể coi là một sự nhảy vọt: Từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát, dần dần thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều góp phần thay đổi nhanh chóng cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2016 - 2018 thì tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17,5 - 19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân qua 3 năm đạt 6,83%; thịt gà tăng trưởng bình quân 6,46%, trong đó thịt gà nuôi công nghiệp tăng trưởng bình quân cao nhất 8,89%; thịt thủy cầm tăng cao tới 8,09% trong đó thịt vịt tăng 8,75%, ngan tăng trưởng bình quân 5,49%, ngỗng tăng trưởng cao nhất là gần 22%. Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,1 triệu tấn, thịt gà gần 840 ngàn tấn chiếm 76,5%, thịt thủy cầm gần 258 ngàn tấn chiếm 23,5%.

Trong những năm qua, số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 6%, sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt 1 triệu tấn, trứng đạt trên 11 tỷ quả. Đạt được thành quả đó là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gen quý trong nước và chọn tạo ra các giống mới. Đồng thời, chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, đã coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng, đã có được những bước đột phá trong khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường. Chuyển giao nhanh và có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, để đẩy nhanh công nghiệp hóa hiện đại hoá trong ngành chăn nuôi gia cầm góp phần chuyển dịch sang sản xuất hàng hoá để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay có thể nói rằng đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn, có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản, cùng những giải pháp căn cơ và đã có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, có tính cạnh tranh, tham gia xuất khẩu đi một số nước. Việt Nam đã cơ bản làm chủ được công nghệ sản xuất con giống bố mẹ trong nước, đồng thời chọn lọc tạo ra được một số dòng có năng suất và chất lượng cao cho nên các giống gia cầm phát huy mạnh trong sản xuất đã trở thành nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm còn hạn chế trong liên kết sản xuất, đôi khi còn tình trạng mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao, dịch bệnh luôn đe dọa. Vì vậy chăn nuôi gia cầm cần phải có định hướng và các giải pháp để phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh ngành chăn nuôi gia súc đang gặp nhiều khó khăn, việc phát triển chăn nuôi gia cầm là một giải pháp giúp cân bằng ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Bộ trưởng đề nghị cần thúc đẩy sản xuất gia cầm theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh để phát sinh dịch bệnh trên gia cầm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Từng quy mô ngành hàng phải định dạng được thị trường, tránh lặp lại tình trạng cung vượt cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời phỏng vấn của các phóng viên

Tại hội nghị, bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông cả nước đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi gia cầm (giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi, xử lý môi trường, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…) vào sản xuất. Từ năm 2010 đến nay hoạt động khuyến nông trung ương trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đã triển khai 22 dự án và nhiệm vụ khuyến nông trung ương trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô hỗ trợ 1.840.830 con, với 11.358 hộ tham gia. Các mô hình khuyến nông đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi đồng thời có được hiệu quả tăng 10 - 15% so với đại trà. Các mô hình được đánh giá tốt về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó nhân rộng mô hình vào thực tiễn sản xuất.

Về phương hướng hoạt động 2020 - 2025, bà Hạnh cho biết Trung tâm ưu tiên chuyển giao những đối tượng vật nuôi ít bị cạnh tranh, những giống bản địa có chất lượng tốt. Tăng cường xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực như giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi… đặc biệt đảm bảo an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ưu tiên phát triển những mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất, giết mổ đến thị trường tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các dự án khuyến nông sẽ tập trung xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm gia trại, trang trại quy mô lớn ở những vùng trung du, miền núi để hình thành những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tăng cường đào tạo cho các chủ trang trại, chủ hộ về chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt… Triển khai truyền thông đồng bộ trên tất các các phương tiện trên mọi miền đất nước, giúp người chăn nuôi và cả xã hội cùng góp phần phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

Bà Hạ Thúy Hạnh trả lời phỏng vấn của phóng viên

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng ngành chăn nuôi cần có chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm như: nuôi yến, nuôi gà chế biến và những sản phẩm được chế biến từ trứng gia cầm. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ để giúp nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển gia cầm, trước mắt là bù đắp cho lượng thịt lợn có thể bị thiếu hụt vào dịp cuối năm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. 

Thanh Thúy