Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trị Hội nghị

 

Tham gia hội nghị có các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ quan truyền thông. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có ông Kim Văn Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm tham dự.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục QLCLNLS&TS báo cáo kết quả quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản năm 2019 và kế hoạch công tác năm 2020. Theo đó, năm 2019 đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành 01 Nghị quyết, 06 Nghị định, Bộ đã ban hành 14 Thông tư về quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản. Nhờ công tác phổ biến chính sách, thông tin truyền thông nên nhận thức của người tiêu dùng, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm được nâng cao.

Các địa phương đã mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn. Đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở trồng trọt, 11.521 trang trại, hộ chăn nuôi và 624 vùng/cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAHP. Toàn ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra, chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, ATTP. Thị trường xuất khẩu nông lâm sản được mở rộng, các khó khăn vướng mắc được kịp thời tháo gỡ. Năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, vật tư nông nghiệp, ATTP được tăng cường.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn một số hạn chế như việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm còn hạn chế. Tổ chức bộ máy quản lý, kiểm soát chất lượng tại các địa phương còn biến động, không đồng nhất. Việc phổ biến, vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo ATTP chưa đầy đủ, thường xuyên; việc giám sát, kiểm tra chưa đầy đủ, kịp thời. Rào cản về thị trường xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ngày càng chặt chẽ, phức tạp.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội là thị trường tiêu thụ số lượng rất lớn thực phẩm do đó thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất và là đầu mối tiêu thụ nông lâm thủy sản từ các tỉnh thành khác, đồng thời đi đầu trong công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Hà Nội đã đổi mới sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ điện tử quản lý sản phẩm nông nghiệp.

Một số địa phương và doanh nghiệp cũng chia sẻ các kết quả quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản, đồng thời kiến nghị những vấn đề khó khăn cần giải quyết.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ TTKNQG phát biểu, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo VietGAHP, ATSH, ATDB, liên kết sản xuất, đồng thời tăng cường đào tạo, thông tin tuyên truyền cho các hộ sản xuất để tạo sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo ATTP. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến nông để tạo sản phẩm nông lâm thủy sản theo hướng hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo ATTP phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ TTKNQG phát biểu tại Hội nghị

 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu,… cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 đã ban hành theo Quyết định số 134/QĐ-BNN-QLCL ngày 08/01/2020 của Bộ NN&PTNT.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia