Toàn cảnh hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ông Lý Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công thương…; lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT của 25 thành phố, tỉnh liên quan và đại diện một số tổ chức quốc tế như FAO, CDC… Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có bà Hạ Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm tham dự.

Trong gần 2 tháng đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều quốc gia  trên thế giới, đặc biệt dịch CGC với các chủng vi rút độc lực cao như cúm A/H5N1 đã xảy ra trên 7 quốc gia, cúm A/H5N6 ở 3 quốc gia, cúm A/H5N8 ở 33 quốc gia, cúm A/H5N5 ở 5 quốc gia, cúm A/H5N2 ở 2 quốc gia. Đặc biệt, ở Trung Quốc đã xảy ra dịch cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh thành, trong đó có những tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Vân Nam và Quảng Đông; đến nay đã có ít nhất 87 người thiệt mạng. Đây là một nguy cơ đe dọa rất lớn đối với Việt Nam nếu Việt Nam không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn, phòng chống CGC hiệu quả.

Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch CGC chủng cúm A/HN5N1, năm 2016 đã xảy ra tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã của 3 tỉnh (Nghệ An, TP. Cần Thơ và Cà Mau). Số gia cầm mắc bệnh là 4.767 con. So với năm 2015, dịch H5N1 đã giảm đáng kể như số xã có dịch giảm 2,57 lần, số huyện có dịch giảm 2,83 lần, số tỉnh có dịch giảm 3,67 lần, số gia cầm chết và tiêu hủy giảm 2,6 lần.

Năm 2017, tính đến ngày 22/2, cả nước có 8 ổ dịch CGC H5N1 tại Nghệ An (xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu), Bạc Liêu (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), Nam Định (xã Trực Nội và Trực Thuận huyện Trực Ninh), An Giang (xã Tân Trung, huyện Phú Tân và xã Phú Đông , huyện Thoại Sơn), Sóc Trăng (xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú), Đồng Nai ( xã Suối Trầu, huyện Long Thành).

Dịch CGC chủng H5N6, năm 2016 đã xảy ra tại 7 xã, phường của 6 huyện của 5 tỉnh thành là Tuyên Quang, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum. Số gia cầm mắc bệnh là 5.189 con. So với năm 2015, dịch H5N6 đã giảm đáng kể như số xã có dịch giảm 3 lần, số huyện có dịch giảm 2,83 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,2 lần, số gia cầm chết và tiêu hủy giảm 2,13 lần.

Năm 2017, tính đến ngày 22/2, đã xảy ra 1 ổ dịch H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi.

Đến nay cả nước có 7 ổ dịch CGC chưa qua 21 ngày ở Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai và Quảng Ngãi.

Theo WHO, từ năm 2015 đến nay, cả nước không ghi nhận ca bệnh cúm A/H5N1 trên người.

Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người.

Đến nay, đã hoàn thành cơ sở pháp lý và kế hoạch chủ động phòng, chống dịch CGC, đã giám sát chủ động lưu hành vi rút để cảnh báo và hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng chống, công tác xử lý dịch CGC, kiểm soát vận chuyển, giết mổ…

Cảnh báo của Bộ Y tế, mặc dù đến nay tuy chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 cả trên người và trên gia cầm ở Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

Để phòng chống nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 qua biên giới xâm nhập vào Việt Nam, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp giữa các Bộ, ban ngành, đặc biệt là sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế, sẽ ngăn chặn thành công.

Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam như tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát ở các cửa khẩu, đường biên, lối mòn, tăng cường chốt và trang thiết bị kiểm soát buôn lậu gia cầm 24/24 giờ.

Qua ý kiến của các địa phương, việc kiểm soát gia cầm nhập lậu là khâu quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. vì vậy việc xây dựng các cơ sở cung cấp giống gia cầm tại chỗ là rất quan trọng, đặc biệt với các xã sát biên giới. Tại hội nghị, một số tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai cũng đề xuất nhân rộng Mô hình sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho các tỉnh biên giới phía Bắc và cần có cơ chế đặc thù cho các tỉnh này để phòng chống bệnh CGC, là tiền tiêu để ngăn chặn dịch bệnh có thể xảy ra cho các tỉnh trong cả nước.

Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam đã đánh giá công tác chuẩn bị phòng chống CGC của chúng ta là rất tốt, sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thú y trong việc chẩn đoán, phòng chống dịch CGC và cam kết sẽ phối hợp tốt trong mọi tình huống.

Sau khi đơn vị báo cáo và các đại biểu thảo luận sôi nổi, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã kết luận chỉ đạo như sau:

- Trong việc phòng chống CGC, chúng ta đã thay đổi từ bị động sang chủ động, kết quả thực tế đã chứng minh, từ năm 2013 đến nay, dịch CGC chỉ xảy ra lẻ tẻ, ảnh hưởng không lớn đến sản xuất và xã hội.

- Chúng ta không được chủ quan, đặc biệt hiện nay dịch cúm A/H7N9 đã xảy ra ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam và nguy hiểm là khi gia cầm nhiễm cúm A/H7N9 không có biểu hiện triệu chứng nhưng lây và gây chết người.

- Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, các Bộ, ban, ngành; từ trung ương đến địa phương cần phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm các đầu nậu, chợ, điểm thu gom, tập kết, giết mổ… lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện vi rút CGC gây bệnh. Triển khai có hiệu quả “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng” do Bộ NN&PTNT phát động.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, đa dạng hóa thông tin để người dân, đặc biệt người dân biên giới hiểu và thực hiện tốt, ngăn chặn được dịch CGC nhưng vẫn bảo vệ sản xuất gia cầm trong nước.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Quốc tế như OIE, FAO, WHO, CDC…

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia biên soạn những tài liệu hướng dẫn phòng chống dịch CGC, phối hợp và hỗ trợ địa phương tuyên truyền công tác phòng chống dịch CGC.

- Các địa phương cần có nguồn nhân lực, vật lực để chủ động phòng chống CGC.

Liên Hương