Tham gia hội nghị có các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi Thú y hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, Hội Thú y, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và cơ quan truyền thông. Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm tham dự hội nghị.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm 2020 đến ngày 11/02/2020, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Dịch bệnh không xảy ra trên diện rộng, dịch xẩy ra tại 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã cơ bản được kiểm soát, trên 95% số xã có dịch đã qua 30 ngày. Bệnh lở mồm long móng, có 4 ổ dịch xảy ra ở Tiền Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, trong đó 3 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tại thời điểm tháng 12/2019 và so với cùng thời điểm năm 2018 thì đàn gia cầm trên cả nước khoảng 467 triệu con, tăng 14,2%; bò thịt là 5.640.730 con, tăng 4,4%; bò sữa là 321.232 con, tăng 10%; đàn dê, cừu tăng 15,45%; đàn thỏ tăng 12,88%; đàn lợn do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi nên cả nước còn trên 24 triệu con, giảm 11,5%.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tại thành phố Hà Nội có trên 10 triệu dân sinh sống, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 800-900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, trong đó thành phố chỉ đáp ứng được trên 60%, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, kết hợp với thời tiết cực đoan, lạnh, mưa ẩm và tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%), vì vậy, việc kiểm soát dịch bệnh hết sức khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố giữ vững, củng cố hệ thống thú y các cấp, đồng thời Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc” nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm triển khai khá tốt.

Ông Pawin, đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam đánh giá cáo tính minh bạch của Bộ NN&PTNT Việt Nam trong việc công khai tình hình bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh khác trên gia súc. Hiện nay, dịch cúm gia cầm xảy ra không lớn nhưng hết sức cảnh giác vì có dịch nCoV đang phức tạp. FAO đã phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam (Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, TTKNQG) và USDA nâng cao năng lực phòng, chống cúm gia cầm và các dịch bệnh khác trên gia súc. Tương lai sẽ tiếp tục phối hợp với chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT và các địa phương trong công tác phòng, chống cúm gia cầm và các dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, khởi đầu việc thực hiện Luật Chăn nuôi, tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi và tái cơ cấu ngành chăn nuôi, TTKNQG cần tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), an toàn dịch bệnh; các địa phương, các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống các loại bệnh cho gia súc, gia cầm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu và kết luận hội nghị

 

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu và kết luận Hội nghị như sau:

- Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp thu các ý kiến của địa phương để hoàn thiện báo cáo.

- Hiện nay nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do vi rút gây bệnh vẫn tiềm ẩn trong môi trường, mật độ đàn gia cầm quá cao, diễn biến thời tiết cực đoan, lưu thông hàng hóa lớn, thói quen mua bán và giết mổ truyền thống, không vệ sinh...

- Những trang trại chăn nuôi lớn gắn với ATSH đã chiếm tỷ lệ lớn, đã tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời thú y và khuyến nông đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; có hệ thống pháp lý về phòng, chống dịch bệnh, cúm gia cầm cơ bản đồng bộ; sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan ban ngành do đó công tác phòng, chống dịch bệnh thuận lợi hơn.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát công tác phòng, chống dịch bệnh, thông báo cho các chủ trang trại/hộ chăn nuôi về những khó khăn và nguy cơ bùng phát dịch bệnh và giảm giá sản phẩm do “cung quá cầu”. Đối với từng nhóm vật nuôi:

+ Chăn nuôi gia cầm: Cần sớm phát hiện dịch bệnh để khống chế, chú ý chăn nuôi nhỏ lẻ.

+ Chăn nuôi lợn: Thực hiện chăn nuôi ATSH, khi tái đàn phải đăng ký với cơ quan quản lý tại địa phương. Chăn nuôi lợn phát triển trở lại nhưng sẽ giảm hộ nuôi nhỏ lẻ và trang trại sẽ tăng quy mô.

+ Chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt dê cừu tốc độ tăng đàn nhanh, đồng thời hết sức chú ý dịch bệnh.

+ Kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn như CP, DABACO thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc giảm giá thịt lợn.

Các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phát động tổng vệ sinh môi trường, mỗi tỉnh phát động một  tuần, tốt nhất là dùng vôi khử trùng.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia