Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tham gia hội thảo có 50 đại biểu đến từ Cục Khuyến nông các nước, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi của 5 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhằm cung cấp một diễn đàn trao đổi về khuyến nông và phát triển nông thôn khu vực sông Mê Kông, đồng thời xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của Liên minh các tổ chức khuyến nông vùng sông Mê Kông (MELA) trong thời gian tới.

Trong 3 ngày làm việc, hội thảo đã thu được nhiều kết quả đáng chú ý. Với chủ đề: “Nông dân thông minh, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, các nước thành viên MELA đã chia sẻ thông tin về chính sách và những nỗ lực quốc gia đối với nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp xanh và phát triển các tổ chức nông dân.

Đại diện TKNQG giới thiệu về hệ thống Khuyến nông Việt Nam

Hội thảo cũng nơi các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm thực tế liên quan đến sự đổi mới và hỗ trợ nông dân ở khu vực sông Mê Kông như: Mô hình bảo tồn và sản xuất rau bản địa gắn với thị trường; Mô hình dựa vào cộng đồng và vai trò đối với an ninh lương thực bền vững và khuyến nông thông qua việc đào tạo nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành làm phân hữu cơ, thuốc trừ sâu thảo dược thay thế dần cho các loại thuốc hóa học, hỗ trợ Hợp tác xã về thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện liên kết hợp tác xã, tổ chức nông dân với các doanh nghiệp khu vực tư nhân để tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng mạng lưới nông dân chủ chốt.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế điển hình hướng tới một triệu nông dân sản xuất nhỏ thông qua công nghệ thông tin và đổi mới từ tất cả các lĩnh vực, đại diện của Campuchia đã giới thiệu về kỹ thuật trồng điều qua phần mềm ứng dụng AMK giúp nông dân sử dụng phần mềm trên điện thoại di dộng để giải quyết các vấn đề về sâu bệnh hại cây trồng; biết được các thông tin đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống,..trên cơ sở đó giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vấn đề ở trang trại sản xuất của gia đình. Chia sẻ từ quỹ phát triển nông nghiệp bền vững Syngenta về Hỗ trợ Nông dân Việt Nam sản xuất rau an toàn theo VietGAP cho thấy nông dân được chuyển giao các công nghệ mới, được hỗ trợ xây dựng nhà lưới để sản xuất rau an toàn, được tập huấn về tổ chức sản xuất rau theo VietGAP, sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng, cập nhật kiến thức về marketing và thông tin thị trường cho nông dân, kết nối nông dân với thị trường.

Đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong hoạt động nông nghiệp của đất nước mình

Báo cáo về thực hành Nông nghiệp Tốt trong trồng dưa hấu ở Myanmar đã đưa ra quy trình sản xuất dưa hấu theo MyanGAP, chứng nhận trang trại dưa sản xuất theo MyanGAP. Cơ hội và thách thức trong sản xuất dưa theo MyanGAP cũng được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.

Tiếp cận nông dân sản xuất nhỏ thông qua công nghệ thông tin và đổi mới do đại diện của mạng lưới nông dân Lào trình bày đã đưa ra 4 mạng lưới hàng hóa của Lào là các mạng lưới về rau, hoa; cà phê; lúa gạo và gia súc. 150 video về kỹ thuật công nghệ cho nông dân được cập nhật trên kênh youtube và trên trang web.

Đáng chú ý, trong những tham dự hội thảo, các đại biểu đã tham quan học tập thực tế tại Hợp tác xã DVNN Cẩm Hà (Làng rau Trà Quế gắn với du lịch) và thăm Trang trại An Farm Hội An (Vườn rau hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm). Tại các điểm tham quan học tập các đại biểu đã nắm được tổ chức và quản lý của trang trại, HTX, được chia sẻ khó khăn, thuận lợi trong phát triển, nắm được kỹ thuật công nghệ, quản lý dịch hại, liên kết giữa nông dân và thị trường. Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu của trang trại, HTX, các nhóm đã thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm tổ chức sản xuất ở trang trại và HTX trong thời gian tới tốt hơn.

Các đại biểu tham quan học tập thực tế 

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian thảo luận về hành động của MELA trong thời gian tới. Theo đó, MELA sẽ tổ chức các chuyến thăm quan, trao đổi giữa các quốc gia thành viên để cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, chính sách và hợp tác phát triển của các bên liên quan; canh tác sinh thái nông nghiệp hiện đại hướng đến sản phẩm an toàn, IOT (Internet of Things - Internet kêt nối vạn vật); Tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực về chuyển giao TBKT, khoa học công nghệ, khuyến nông, phát triển nông thôn và đóng góp vào phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp trong khu vực; Phát triển mạng lưới khuyến nông vùng sông Mê Kông góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững trong khu vực thực hiện thành công chiến lược hợp tác ASEAN về thực phẩm, nông, lâm nghiệp. Thông qua mạng lưới khuyến nông này, nông dân, đặc biệt là các nông hộ nhỏ lẻ sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với công nghệ, thông tin, phát triển thị trường và nguồn vốn đầu tư để giải quyết những thách thức mới hiện nay.

Theo thống nhất của Ban điều phối MELA, cuộc họp thường niên MELA lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Myanmar vào tháng 6 năm 2020.

Thanh Huyền

Ảnh: Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia