Mục tiêu của chương trình

Chương trình đưa thực tập sinh sang I-xra-en học tập và làm việc giúp các học viên Việt Nam tiếp cận và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiểu biết, xây dựng tư duy mới về quản lý và kinh doanh nông nghiệp để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của Việt Nam. Ngoài ra học viên cũng được trải nghiệm kỹ năng sống và làm việc với người dân I-xra-en và nông dân của gần 10 quốc gia khác trên thế giới ngay trên đất nước I-xra-en, nâng cao trình độ ngoại ngữ và có thêm một phần kinh phí thông qua các buổi làm việc trực tiếp tại các trang trại của I-xra-en.

Kết quả đưa thực tập sinh sang I-xra-en

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2004-2017, tổng số thực tập sinh đi thực tập nông nghiệp tại I-xra-en là 4.376 người, trong đó số học viên đang thực tập là 632 người. Tuy nhiên theo số liệu tổng hợp của Đại sứ quán I-xra-en tại Hà Nội, số học viên tham gia chương trình thực tập sinh tại I-xra-en là 5.342 học viên.

Sở dĩ có sự chênh lệch số học viên là do ngoài 4 đơn vị chính của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Công ty Cổ phần Xây dựng, Dịch vụ và Hợp tác lao động (OLECO); Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Sở NN và PTNT Hải Phòng và Ninh Bình) tham gia đưa học viên sang I-xra-en còn có nhiều trường đại học, cao đẳng khác thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo hoặc các công ty, các đơn vị, tổ chức khác trực tiếp hợp tác với các trung tâm trang trại của I-xra-en đưa thực tập sinh sang I-xra-en.

Thời gian và ngành nghề nông nghiệp

Với thời gian khóa thực tập kéo dài từ 10-11 tháng, mỗi tuần các học viên sẽ học 01 ngày lý thuyết trên lớp của Trung tâm đào tạo, thời gian còn lại học viên thực tập và làm việc tại các trang trại do Trung tâm bố trí.

Công việc các học viên thực tập chủ yếu là trồng trọt các loại cây ăn quả, các loại hoa, các loại rau ngoài đồng và trong nhà kính, nhà lưới, hoặc thực tập tại các nhà xưởng đóng gói sản phẩm nông nghiệp.

Một số lượng nhỏ các học viên (10%) được bố trí làm việc tại các trang trại chăn nuôi như: chăn nuôi bò sữa, nuôi gà, nuôi cá sa mạc. Sau khi hoàn thành chương trình, một số các môn học lý thuyết mà học viên đã được học tại I-xra-en sẽ được các trường đại học tại Việt Nam công nhận và miễn giảm học trong nước. Đồng thời các học viên còn được các Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp của I-xra-en cấp chứng chỉ hoàn thành khóa thực tập nông nghiệp tại I-xra-en.

Nhận xét, đánh giá chương trình

Phát biểu tại hội thảo, TS, Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện chương trình hợp tác đưa học viên sang học và làm việc tại I-xra-en. Từ năm 2004-2007, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa được 105 thực tập sinh là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông sang học tập và làm việc tại I-xra-en. 100% số học viên được cử đi đã hoàn thành khóa học trở về Việt Nam và đã phát huy hiệu quả kiến thức được học, đóng góp tích cực cho hệ thống khuyến nông và tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó TS Hạ Thúy Hạnh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để chương trình hợp tác ngày một hiệu quả và bền vững hơn.

PGS.TS. Hoàng Thị Bích Thảo, giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Chương trình thực tập sinh nông nghiệp tại I-xra-en giúp các học viên nâng cao hiểu biết, học hỏi, trải nghiệm và tích lũy được nhiều kiến thức thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Học viên trở về từ chương trình đều trưởng thành, năng động và có khả năng hội nhập quốc tế cao. Một số học viên có ngoại ngữ tốt đã tiếp tục du học thạc sĩ ở nước ngoài. Nhà trường cũng hỗ trợ các học viên kết nối khởi nghiệp, kết nối giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Phú Toản, phó tổng giám đốc Công ty OLECO cho biết: Chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại I-xra-en đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các học viên tham gia. Học viên không những được nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành về nông nghiệp công nghệ cao mà còn được nâng cao ngoại ngữ, khả năng giao tiếp cũng như có một phần thu nhập thông qua các buổi làm việc trực tiếp trên đồng ruộng. Có thể nói chương trình hợp tác về đào tạo thực hành nông nghiệp tại I-xra-en đã có một vai trò nhất định trong việc xây dựng ý thức, tư duy và mục tiêu cho các sinh viên, kỹ sư nông nghiệp trong tương lai trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp trí thức của Việt Nam, góp phần thực hiện chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ trong thời điểm hiện tại – thời điểm cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp toàn cầu trong cuộc đua cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Một số bất cập khi tham gia chương trình

Do đặc thù của I-xra-en là thời tiết rất khắc nghiệt, mùa hè nhiệt độ một số nơi có thể lên tới gần 50oC, công việc phải làm trên đồng ruộng rất vất vả, bên cạnh đó là rào cản ngôn ngữ và việc I-xra-en chỉ định phòng khám sức khỏe độc quyền, chi phí cao, đi lại và thời gian chờ đợi lâu khiến nhiều học viên phải bỏ dở giữa chừng.

Hiện tượng bỏ trốn sau khi kết thúc chương trình tạo ra hình ảnh không tốt cho việc hợp tác. Một số chủ trang trại của I-xra-en đang thiếu lao động và muốn lấy lao động Việt Nam làm việc nên cố tình che giấu lao động, việc tìm kiếm và trục xuất học viên về nước gặp nhiều khó khăn.

Chưa có chính sách, chủ trương về việc tận dụng nguồn nhân lực là các học viên sau khi hoàn thành chương trình. Nhiều học viên trở về từ chương trình với nhiệt huyết phát triển nông nghiệp nước nhà, tuy nhiên do chưa được bố trí việc làm phù hợp, bản thân học viên chưa đủ tiềm lực tài chính để khởi nghiệp, điều này rất lãng phí.

Công tác quản lý thực tập sinh trong thời gian ở I-xra-en còn hạn chế. Hiện nay Việt Nam có nhiều đơn vị thực hiện việc phái cử học viên cho chương trình mà chưa có một đầu mối quản lý tập trung gây nên sự không đồng bộ trong vấn đề quản lý và phối hợp với phía bạn theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh.

Mức lương cho các thực tập sinh còn thấp so với học viên đi thực tập sinh tại các nước Nhật Bản, Mỹ, Canada,...

Định hướng và giải pháp thực hiện chương trình trong thời gian tới

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng hiệu quả của Chương trình hợp tác Việt Nam-I-xra-en về việc đưa thực tập sinh sang học và làm việc tại I-xra-en như sau:

- Thống nhất quản lý chương trình thực hành nông nghiệp tại I-xra-en: Trình Chính phủ Đề án thành lập tổ công tác về nông nghiệp trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-I-xra-en gồm đại diện Bộ NN và PTNT; đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại điện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Làm tốt công tác tuyển sinh học viên: quy định rõ các tiêu chí tuyển chọn.

- Đào tạo thực tập sinh trước khi xuất cảnh: Đào tạo cho học viên về ngoại ngữ chuyên ngành nông nghiệp, bên cạnh đó đào tạo bồi dưỡng kiến thức về phong tục tập quán, kỷ luật lao động, pháp luật của I-xra-en.

- Công tác quản lý thực tập sinh tại I-xra-en: Đề nghị phía Bạn hỗ trợ và hợp tác thành lập Văn phòng quản lý thực tập sinh tại I-xra-en. Các đơn vị đưa thực tập sinh đi cần xây dựng và tổ chức mô hình quản lý theo nhóm và có định kỳ báo cáo về tình hình học tập và làm việc của các thực tập sinh tại I-xra-en. Có ý kiến với Cục Xuất nhập cảnh I-xra-en hoặc các cơ quan liên quan về việc bắt trục xuất các học viên bất hợp pháp tại I-xra-en về nước. Có chế tài xử phạt nặng những chủ trang trại che giấu học viên. Đề xuất với cơ quan hữu quan của Việt Nam về biện pháp xử lý nặng đối với học viên bỏ trốn bất hợp pháp ít nhất là xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP để ngăn chặn tình trạng bỏ trốn của học viên.

- Xây dựng chương trình cho các địa phương để tận dụng nguồn nhân lực sau khi được đào tạo. Tạo điều kiện giới thiệu, tiếp nhận để học viên có việc làm. Cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp để thu hút triển khai được những ý tưởng tốt cho phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

- Đề xuất Đại sứ quán I-xra-en về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám sức khỏe cho các học viên tham gia chương trình.

Một số chính sách để khuyến khích phát triển chương trình.

- Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng cơ bản cho thực tập sinh trước khi đi từ nguồn ngân sách hỗ trợ đào tạo nghề (Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009; Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 về phê duyệt Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đến năm 2020).

- Khuyến khích tiếp nhận những ứng viên sau khi đi hoàn thành chương trình tại I-xra-en vào làm việc tại các hợp tác xã, trang trại hoặc tự tổ chức sản xuất tại Việt Nam (Chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020./.

Thanh Huyền 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia