Để kịp thời định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019 đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững” tại Sóc Trăng vào ngày 17/9/2019.

Toàn cảnh Hội thảo

Về tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ, Cục Thú y cho biết, 08 tháng đầu năm tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 17.543 ha, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm và chiếm 2,54% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Ngoài các bệnh tôm thường mắc như bệnh hoại tử gan cấp tụy, bệnh đốm trắng, hiện nay, tình hình nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm nước lợ đang có chiều hướng gia tăng. Đây là một loại bệnh không gây chết hàng loạt nhưng có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế đối với nghề nuôi tôm do khi tôm bị bệnh này sẽ chậm lớn, thậm chí không lớn mặc dù vẫn tiêu tốn rất nhiều thức ăn (tôm nuôi 90-100 ngày tuổi vẫn có thể chỉ đạt kích cỡ 4-5 gram/con (200-250 con/kg)).

Dự báo nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi. Bên cạnh đó, diện tích thiệt hại có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do các điều kiện bất lợi của thời tiết như nhiệt độ, độ mặn tăng cao có thể làm tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho một số loại mầm bệnh phát triển. Do đó, tại hội thảo, những tham luận đề cập đến các giải pháp phòng trị bệnh cho tôm nuôi được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những giải pháp phát triển tôm bền vững như: Quản lý dịch bệnh từ con giống;  Kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ  và con giống bố mẹ, kiểm soát việc nhập khẩu tôm bố mẹ; Tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn địa phương và người nuôi tôm nước lợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh hiệu quả, thông tin kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện bệnh để có biện pháp kịp thời, hạn chế lây lan…

Về tình hình xuất khẩu tôm nước lợ trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,93 tỷ USD (giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ giảm đã chậm lại do tháng 7 xuất khẩu tăng trưởng dương. Riêng tháng 7 xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD (tăng 13,4% so với tháng 7 năm 2018). Đặc biệt, việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp trên xuất hàng đi Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Do đó, tôm Việt khi được ưa chuộng ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội tốt để xuất vào các thị trường khác. Top 8 thị trường nhập khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu chuyển biến tích cực.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết năm 2019 là năm khó khăn đối với sản xuất tôm nước lợ

Hội thảo cũng đề ra một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu tôm các tháng cuối năm 2019. Theo đó, tiếp tục tổ chức tốt các quy định mới theo Luật thủy sản 2017, đặc biệt là công tác đăng ký các đối tượng nuôi chủ lực để đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khí hậu để có giải pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời. Tiếp tục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp tập trung phát triển sản phẩm quốc gia là tôm. Tổ chức tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Trung Quốc, Ả rập - Xê út, Hoa Kỳ, EU. Tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá về các ngành hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam tại một số quốc gia nhập khẩu chính. Tiếp tục tổ chức kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống triển khai quan trắc tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Hoa Trà