Mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi các rào cản, các khó khăn đối với việc học của người lớn, chia sẻ các giải pháp và bài học kinh nghiệm, các điển hình tốt trong việc tổ chức học tập của người lớn. Thông qua khuyến nghị và cam kết thúc đẩy học tập của người lớn trước yêu cầu xây dựng xã hội học tập.

Trong bài tham luận về giáo dục người lớn và những vấn đề học tập, GS.TS. Nguyễn Tất Dong cho biết hội thảo về giáo dục người lớn này có một ý nghĩa đặc biệt – đó là hội thảo đặt ra một vấn đề lớn về đào tạo những con người khi đã ra khỏi hệ thống giáo dục ban đầu cho đến lúc họ không có đủ điều kiện tham gia học tập, nói cách khác hội thảo đặt vấn đề học tập suốt đời của mỗi con người.

Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020” nêu rõ đối tượng học tập suốt đời là toàn dân, từ cán bộ các cấp, các ngành công chức, viên chức đến mọi lao động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều được học tập và có nghĩa vụ học tập suốt đời. Quyết định 89/QĐ-TTg có 7 Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, đó là: Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020; Đề án về truyền thông và xây dựng xã hội học tập, Đề án phát triển đào tạo từ xa; Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; Đề án hỗ trợ cho người lao động nông thôn, những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để họ tập suốt đời; Đề án đẩy mạnh các hoạt động suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp; Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục thường xuyên – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ở Việt Nam, trung tâm (TT) học tập cộng đồng được coi là cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Hiện nay có 11.081 trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 99,3% số xã, phường có TT học tập cộng đồng), trong đó có 61 tỉnh/thành phố đạt 100% số xã có TT học tập cộng đồng (còn 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định là chưa phủ kín). Số người tham gia học tập tại TT học tập cộng đồng bình quân hàng năm có 13 triệu lượt người học các lớp chuyên đề, gần 35 nghìn người tham gia lớp bồi dưỡng ngắn hạn, vài chục nghìn người học xóa mù chữ, ngoài ra còn có hàng triệu người tham gia sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ dưỡng sinh,… Các TT học tập cộng đồng đã góp phần thực hiện các mục tiêu về giáo dục, văn hóa xã hội địa phương như xóa mù chữ, nâng cao dân trí, giảm các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, duy trì bản sắc dân tộc của địa phương, hạn chế bất bình đẳng giới, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đặc biệt TT học tập cộng đồng còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường – yếu tố quan trọng trong phát triển cộng đồng.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã thống nhất khẳng định những thuận lợi, khó khăn trong việc học tập của người lớn.

Những thuận lợi đó là: Được Đảng, nhà nước quan tâm đến việc học của toàn xã hội, được hội các cấp và các cơ quan triển khai đề án (7 đề án thành phần) bước đầu đã có kết quả. Trung tâm học tập cộng đồng đã được phủ gần 100% số xã có cơ sở học tập và tạo mọi điều kiện để mọi người học tập. Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, luôn muốn vươn lên trong học tập.

Bên cạnh những thuận lợi còn không ít khó khăn. Đó là: Một bộ phận không nhỏ người lớn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc học, họ đã tự hài lòng với kiến thức và kinh nghiệm, một số khác thì tự ti và điều kiện sống còn nhiều khó khăn, phụ nữ còn có nhiều rào cản đối với việc học để vươn lên. Nhà nước tuy đã có những chính sách cho phát triển giáo dục và đào tạo, đã ban hành Quyết định 89 của Thủ tướng chính phủ về xây dựng xã hội học tập, tuy nhiên cơ quan tham mưu của đề án chưa đủ mạnh, chưa có nghiên cứu sâu hơn về việc học của người lớn. Bên cạnh đó nguồn kinh phí cho việc học của người lớn cũng không đảm bảo, thiếu một sự kết nối giữa các cơ quan thực hiện việc học tập của người lớn, công tác thông tin tuyên truyền chưa đủ mạnh đối với việc học của người lớn nhằm tuyên tuyền, chuyển biến nhận thức của toàn hệ thống từ lãnh đạo trung ương đến địa phương, từ người trẻ cho đến người cao tuổi và người già nhất là khi không phải người lớn nào kể cả lãnh đạo thấy được tính cấp thiết của sự học của chính bản thân mình chưa nói đến việc học của cả cộng đồng. Các phương pháp, mô hình trong đào tạo người lớn ít được nghiên cứu nên nhiều trung tâm học tập cộng đồng, nơi chuyển giao khoa học công nghệ khi trang bị kiến thức cho người dân còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong hoạt động.

Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Vấn đề học tập của người lớn phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Nhiều kinh nghiệm, nhiều cách làm hay, nhiều ý tưởng và các trăn trở về việc học của người lớn mà các đại biểu đã chia sẻ cho chúng ta thấy rằng việc học tập của người lớn không phải của riêng ai. Trong điều kiện hiện nay khi mà việc học đã thực sự trở thành nguồn sống, sự phát triển bền vững và hội nhập thành công cho mọi lứa tuổi, việc học của người lớn là nhu cầu bức thiết, là quyền lợi, là nghĩa vụ của mọi người lớn, từ người lớn khỏe mạnh đến người lớn bị khuyết tật. Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và QĐ 89 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hình thức học tập cho người lớn được tổ chức với những hoạt động và hình thức phong phú: khuyến nông, câu lạc bộ, thư viện, công nghệ thông tin, trung tâp học tập cộng đồng,… được tổ chức mọi nơi, mọi tổ chức, phù hợp với mọi lứa tuổi, sở thích góp phần nâng cao chất lượng lao động và chất lượng cuộc sống ngày càng phát triển tốt hơn.

Hội thảo đã đưa ra bản cam kết để các tổ chức cùng vào cuộc thúc đẩy việc thực hiện thành công QĐ 89 của Chính phủ về xây dựng xã hội học tập mà trọng tâm là học tập của người lớn, lực lượng nòng cốt thực hiện quyết định trên.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan cũng mong muốn rằng sự học của người lớn ngày càng thành công và phát triển, sự nghiệp khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng thành công để Việt Nam tiến kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thanh Huyền 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia