Tham dự hội thảo có khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cục, vụ, viện, trường liên quan lĩnh vực nông nghiệp; sở Nông nghiệp và PTNT, chi cục Trồng trọt-BVTV, trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành trong cả nước; một số doanh nghiệp và nông dân sản xuất giỏi.

Tài liệu hội thảo đã có 58 bài viết về các nội dung như: lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; sâu bệnh hại phát sinh thành dịch; tồn dư hóa chất trong nông sản (tiêu); biến đổi khí hậu, tìm giải pháp phát triển nông nghiệp sử dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV theo hướng hữu cơ sinh học; sản xuất  rau an toàn, VietGAP,… nhằm  tăng sức khoẻ cây trồng, cung cấp nông sản an toàn trong và ngoài nước…

Trên thế giới, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 1% diện tích đất nông nghiệp, trong đó 2/3 là đất trồng trọt. Ở nước ta, người nông dân chưa quen với sản xuất hữu cơ, sản phẩm năng suất chưa cao, mẫu mã chưa đẹp, sử dụng phân ủ hữu cơ chưa đồng loạt, chưa có tổ chức trong nước cấp phép cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp của nước ta là nền nông nghiệp thâm canh. Cuộc sống của nông dân Việt Nam phụ thuộc vào đất. Hiện trạng canh tác đang quá lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một tăng, thời tiết diễn biến cực đoan cộng với phá rừng, lũ lụt, hạn hán rất phức tạp, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu. Từ tình hình đó, tình trạng cây trồng và quản lý dịch hại đang đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đất đai ngày càng nghèo hữu cơ, nhiễm phèn nặng, pH thấp, giảm độ phì. Diễn biến sâu bệnh phức tạp. Mức độ sử dụng phân và thuốc BVTV hóa học, kể cả thuốc trừ cỏ ngày càng tăng nhưng dịch hại ngày càng nhiều. Bên cạnh việc canh tác phụ thuộc vào hóa học, đang xuất hiện nhiều mô hình canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Qua đó, cho thấy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là xu hướng cần thiết, khả thi. Một số mô hình sản xuất hữu cơ đã thu được thành công. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không đơn giản, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thị trường của nông sản hữu cơ còn hạn hẹp, chưa thật phổ biến. Nhưng canh tác theo hướng hữu cơ rất dễ làm, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt, nhất là cải tạo đất và quản lý dịch hại cây trồng có hiệu quả.

Tổng kết hội thảo, ban chủ toạ đã dự thảo đề xuất một số giải pháp để quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh. Đó là:

-  Xây dựng quy định, quy chuẩn sản xuất hữu cơ;

-  Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát cấp phép cho sản phẩm sản xuất hữu cơ;

-  Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, nghiên cứu, chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ;

- Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, người sản xuất, nhà khoa học, nhà quản lý theo chuỗi giá trị liên kết dọc và ngang;

-  Quy hoạch sản phẩm sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể: rau, quả, chè, cà phê, điều, hồ tiêu…;

-  Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vùng sản xuất hữu cơ, dựa trên nhu cầu thị trường, lợi ích kinh tế nông dân và doanh nghiệp;

-  Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương ưu tiên kinh phí phát triển nông nghiệp hữu cơ, biên soạn tài liệu khuyến nông về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ;

-  Củng cố mạng lưới khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp hữu cơ;

-  Giới thiệu rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp làm sản phẩm hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ./.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia