Hội thảo nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và UN Women với mục đích: Chia sẻ kết quả báo cáo sơ bộ về lồng ghép giới trong khuyến nông; Đóng góp ý kiến cho báo cáo và phương pháp nghiên cứu; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, dự án về giới và khuyến nông.

Toàn cảnh hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; bà Vũ Phương Ly - Trưởng nhóm chuyên gia, đại diện Tổ chức UN Women Việt Nam; đại diện các cơ quan nghiên cứu về giới; đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Phú Yên, Lào Cai, Hà Nam, Bắc Ninh cùng một số đơn vị, và tổ chức quốc tế có liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, Hội thảo khởi động về lồng ghép giới trong hoạt động khuyến nông với mong muốn các đại biểu thông qua hoạt động thực tế tại địa phương đóng góp ý kiến, thảo luận và tìm ra những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy hệ thống khuyến nông phát triển bền vững. Trong quá trình gần 30 năm hoạt động, khuyến nông Việt Nam đã trở thành thương hiệu không chỉ tầm quốc gia mà trong khối ASEAN cũng như các nước trên thế giới khi nói đến Khuyến nông Việt Nam đều thán phục. Với hệ thống hoàn chỉnh từ trung ương tới địa phương, Khuyến nông Việt Nam đã có đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước nhà từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong tình hình mới, chúng ta cần phải thay đổi với cách tiếp cận mới và phương pháp mới. Hy vọng sau hội thảo sẽ có những hành động tích cực hơn, phối hợp chặt chẽ để có những sản phẩm cụ thể hơn.

Ong Lê Quốc Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Theo bà Vũ Phương Ly, nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường sinh kế và sự tham gia của phụ nữ nhằm cải thiện khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, UN Women tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc đánh giá giới cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới. Đồng thời, UN Women và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ký một Biên bản ghi nhớ tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6 năm 2020 để hướng tới xây dựng một hệ thống khuyến nông nhạy cảm và đáp ứng giới tốt hơn. Với hợp tác này, hai đơn vị sẽ triển khai các hoạt động hợp tác chiến lược để cùng nỗ lực thúc đẩy các tiến bộ về bình đẳng giới trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua ba mục tiêu: (1) Góp phần xóa bỏ khoảng cách giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp; (2) Cung cấp hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp nhạy cảm về giới cho nông dân nữ để tăng cường sinh kế chống chịu biến đổi khí hậu; (3) Tăng cường năng lực của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhằm mang lại lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực nông nghiệp.  

Theo 02 báo cáo tại Hội thảo về Định hướng lồng ghép giới trong khuyến nông; Đánh giá khoảng cách giới trong hệ thống khuyến nông Việt Nam cho thấy, tại Việt Nam 63% phụ nữ tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, khoảng cách thu nhập giới đã tăng lên trong 10 năm (thu nhập của phụ nữ = 87% thu nhập của nam giới năm 2004 xuống = 80% năm 2012);  71% lao động nông thôn nữ không thể tiếp cận đào tạo nghề so với 60% lao động nông thôn nam mặc dù tài liệu và chi phí đi lại được thanh toán; trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ ít được hưởng lợi từ dịch vụ khuyến nông; phụ nữ đảm nhận hầu hết các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp nhưng tiếp cận giới hạn với khuyến nông; phụ nữ bị giới hạn trong loại hình đào tạo truyền thống, mặc dù phụ nữ chiếm gần ½ lực lượng lao động chăn nuôi nhưng chỉ có 20% các khóa đào tạo về khuyến nông chăn nuôi có phụ nữ tham gia. Nghiên cứu đánh giá khoảng cách giới trong hệ thống khuyến nông Việt Nam cũng chỉ ra rằng hiện nay nhiều phụ nữ được đào tạo khuyến nông có kiến thức nhiều hơn nam giới và xu hướng tham gia tích cực hơn vào các quyết định nông nghiệp. Đặc biệt, trong định hướng lồng ghép giới trong khuyến nông cũng đề xuất đảm bảo các hộ gia đình tham gia dự án khuyến nông có phụ nữ và người khó khăn; về thực hiện các dự án khuyến nông đảm bảo phụ nữ và nam giới được tham gia xây dựng mô hình, tùy thuộc vào nội dung đào tạo để có ưu tiên chọn nam và nữ để đào tạo chuyển giao.

Qua các báo cáo và kết quả trình bày thảo luận nhóm tại hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh, Hội thảo lồng ghép giới trong khuyến nông sẽ khởi động cho các hoạt động hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tổ chức UN Women, bắt đầu bằng đánh giá giới trong hệ thống và dịch vụ khuyến nông nhằm cung cấp những khuyến nghị và đầu vào để xây dựng Hướng dẫn lồng ghép giới trong các hoạt động và dịch vụ khuyến nông, hướng tới xây dựng hệ thống khuyến nông nhạy cảm và đáp ứng giới tốt hơn, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho cả phụ nữ và nam giới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà mong muốn chỉ số về giới: từ vấn đề xây dựng các mô hình, hoạt động đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền đến tư vấn khuyến nông được rõ nét hơn. Mong muốn có cuốn sổ tay hoạt động về công tác giới trong hoạt động khuyến nông để phục vụ việc lồng ghép giới trong hoạt động khuyến nông cũng như vấn đề sản xuất nông nghiệp, đạt được mục tiêu thứ 5 của Chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững đó là bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhóm các vấn đề về giới trong hoạt động khuyến nông với 03 nội dung: Giới và các chính sách khuyến nông: Thực trạng và giải pháp; Giới và các dịch vụ khuyến nông: Cơ hội và rào cản; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay về giới và khuyến nông.

Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận nhóm tại Hội thảo

Thanh Thúy